Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình
Chào mừng bạn đến website Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình

Để chuyển đổi số thành công - Những vấn đề cơ bản cần quan tâm trong triển khai thực hiện

Thứ hai, 16/08/2021

Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định một trong ba khâu đột phá là đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Ngày 20 tháng 4 năm 2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về Xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 12 tháng 7 năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND triển khai Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 20 tháng 4 năm 2021 của Ban Chấp hành Tỉnh ủy và Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Như vậy, trước mắt và lâu dài quá trình chuyển đổi số sẽ tác động ngày càng sâu rộng, bao trùm lên các ngành, lĩnh vực và trên các mặt của đời sống kinh tế, xã hội tỉnh Ninh Bình nói riêng cũng như các địa phương trên cả nước nói chung.

Chuyển đổi số hiện nay đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức và tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Chuyển đổi số không chi giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phái triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Tuy nhiên về tổng thể, đây là một quá trình lâu dài, phức tạp, trong chỉ đạo, triển khai thực hiện cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, bởi nếu cách thức tiếp cận và tổ chức thực hiện ngay từ đầu không đúng sẽ rất khó sửa chữa khắc phục và đôi khi phải trả giá rất đắt; sự hình dung mơ hồ, sự hiểu lầm về mặt khái niệm sẽ khiến các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khó có thể xác định được lộ trình, chiến lược đúng đắn, phù hợp trong tiến trình chuyển đổi số. Để chuyển đổi số thành công, các cấp ngành, địa phương cần quan tâm một số vấn đề cơ bản:

Khái niệm số hóa, ứng dụng số hóa (hoạt động số) và chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là một quá trình bao gồm nhiều bước với các cấp độ khác nhau, trong đó số hóa là bước khởi đầu. Cần có sự nhận thức thống nhất về mặt khái niệm, phân biệt giữa số hóa, ứng dụng số (hoạt động số) và chuyển đổi số.

Vậy số Số hóa là gì: Hiểu theo khái niệm công nghệ thông tin (CNTT) Số hóa là việc chuyển đổi hình thức thông tin của các thực thể (đối tượng, vạn vật) từ dạng vật lý (Analog) sang dạng số (các bit thông tin dữ liệu). Về cơ bản, số hóa có 2 mức độ: Mức độ đơn giản là số hóa dữ liệu và mức độ cao hơn, phức tạp hơn là số hóa quy trình. Số hóa là cấp độ đầu tiên, là nền tảng, bước khởi đầu của quá trình chuyển đổi số.

Ví dụ 1: Văn thư A ở một cơ quan thực hiện số hóa dữ liệu bằng việc scan hồ sơ văn bản (Văn bản, tài liệu kèm theo dạng giấy) thành các file định dạng PDF và lưu vào ổ cứng máy tính cá nhân.

Ví dụ 2: Văn thư A scan hồ sơ văn bản thành file định dạng PDF và lưu vào ổ cứng máy tính, sau đó nhập các dữ liệu đặc tả của hồ sơ văn bản (trích yếu, ngày tháng ban hành…), tải các file dữ liệu từ ổ cứng máy tính cá nhân lên nền tảng đám mây của cơ quan để cán bộ và chuyên viên trong cơ quan có thể truy cập và sử dụng tài liệu này.

Hai ví dụ nêu trên đều là hình thức số hóa nhưng ở 2 mức độ khác nhau. Ví dụ 1 là số hóa dữ liệu, Ví dụ 2 là số hóa quy trình, hình thức số hóa ở ví dụ 2 cao hơn và phức tạp hơn so với ví dụ 1.

Ứng dụng số hóa (hoạt động số): Hoạt động số là bước phát triển cao hơn, cụ thể hơn của số hóa. Hiểu một cách khác, hoạt động số là bước phát triển tiếp theo của số hóa quy trình, đó là dùng các phần mềm hoặc công cụ hỗ trợ để tối ưu dữ liệu, quy trình đã được số hóa. Hoạt động số bao gồm một chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, giảm bớt thời gian trong thao tác, xử lý công việc đã có từ trước, hoạt động số là bước tiếp theo của số hóa, là cấp độ thứ hai của chuyển đổi số.

Ví dụ: Sau khi số hóa các tài liệu, hồ sơ, hoạt động số là lựa chọn, sử dụng các phần mềm, các công cụ hỗ trợ trên nền tảng công nghệ để thực hiện các hoạt động gửi, nhận, thống kê, tìm kiếm thông tin…các tài liệu, hồ sơ trên môi trường mạng. Hoạt động này tạo ra hiệu suất làm việc cao hơn, giảm bớt thời gian, chi phí xử lý công việc so với cách làm truyền thống.

Chuyển đổi số là gì: Theo quan điểm phổ biến nhất hiện nay, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi từ cách sống, cách làm việc truyền thống sang cách sống và làm việc mới dựa trên các nền tảng, công nghệ số (Điện toán đám mây-Cloud, trí tuệ nhân tạo-AI, dữ liệu lớn-Bigdata… các hệ thống nền tảng..), ứng dụng số (các hệ thống thông tin, phần mềm…), nguồn dữ liệu số và sự kết nối của chúng trên không gian số, từ đó tạo ra phương thức mới, những cơ hội và giá trị mới cho hoạt động quản lý, điều hành, phục vụ người dân của Chính quyền; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đời sống, văn hóa của người dân.

Chuyển đổi số là một chuỗi các hoạt động, là một quá trình hoàn chỉnh áp dụng số hóa và ứng dụng số hóa nhưng ở một cấp độ cao hơn để tạo ra phương thức, cách thức làm việc mới. Chuyển đổi số được diễn giải với ba cấp độ: Số hoá (digitization), ứng dụng số hóa – hoạt động số (digitalization) và chuyển đổi số (Digital transformation).

Ví dụ: Chuyển đổi số về cung cấp dịch vụ công, gồm các cấp độ: (1) Số hóa các hồ sơ, tài liệu, thông tin, quy trình liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ công; (2) Ứng dụng số trong cung cấp dịch vụ công, đó là lựa chọn, sử dụng Cổng dịch vụ công, phần mềm Một cửa điện tử, các công cụ hỗ trợ dựa trên nền tảng công nghệ để tối ưu hóa nguồn dữ liệu số hóa, thực hiện các bước trong quy trình cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử; (3) Chuyển đổi số, là sự chuyển đổi từ mô hình giải quyết TTHC truyền thống sang cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng, qua đó tạo ra phương thức, cách thức mới trong hoạt động cung cấp dịch vụ công.

Quá trình chuyển đổi số trong hoạt động cung cấp dịch vụ công được coi là hoàn thành khi toàn bộ cách thức, quy trình cung cấp dịch vụ công truyền thống của các cơ quan nhà nước phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp được chuyển đổi sang cách thức, quy trình mới, thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, 100% dịch vụ công được thực hiện trực tuyến mức độ 4.

Cần làm gì để chuyển đổi số thành công?

Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, phức tạp, thực hiện trong nhiều năm, bao gồm nhiều bước. Vì vậy, cần có tầm nhìn xa nhưng chia mục tiêu và lộ trình thành nhiều phần nhỏ, bước nhỏ để thực hiện. Không nên phức tạp hóa, trìu tượng hóa, nhưng cũng không được đơn giản hóa chuyển đổi số, các yếu tố tác động đến chuyển đổi số có sự liên quan mật thiết và tác động đen xen, phức tạp.

Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện chuyển đổi số, để thành công, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đầy đủ và tập trung giải quyết những vấn đề sau:

Thứ nhất, chuyển đổi nhận thức (nhận thức số). Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức. Tham gia vào tiến trình chuyển đổi số, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp cần cảm nhận, thấy rõ, nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trước khi có hành động cụ thể để thực hiện. Chuyển đổi số không phải là một khái niệm trìu tượng, xa vời, không thiết thực với bản thân. Trên thực tế chúng ta đang sống trong thời kỳ mà chuyển đổi số là xu thế tất yếu; nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân đã và đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực quản lý, giáo dục, y tế, kinh tế… nhưng vẫn chưa ý thức được những gì đang diễn ra chính là biểu hiện của thực hiện chuyển đổi số và mình đã và đang làm gì ở đâu, trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, giữa tham gia quá trình chuyển đối số và tiến tới đạt được các mục tiêu Chương trình chuyển đổi số đặt ra là quá trình lâu dài, việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số vẫn cần triển khai ngay những giải pháp cụ thể. Chìa khóa để đẩy nhanh sự chuyển đổi nhận thức nằm ở trong “nhận thức”, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Thứ hai, phát triển hạ tầng số, nền tảng số. Tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số là nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Các thành phần của hạ tầng số phục vụ chính phủ số liên quan và tác động lẫn nhau, như kết nối liên thông phải đi cùng chia sẻ dữ liệu và phải được bảo đảm bởi pháp luật. Công tác xây dựng hạ tầng số là việc cần kiên trì, sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân từ trung ương đến địa phương.

Trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số ở các địa phương, hạ tầng số phải được xem là yếu tố nền tảng cần được quan tâm, ưu tiên đầu tư sớm đảm bảo sự đồng bộ, hiện đại. Kế hoạch xây dựng hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số ở từng địa  phương phải trên cơ sở kế thừa, phát triển từ các nền tảng hạ tầng sẵn có; xác định rõ mục tiêu, ưu tiên bố trí nguồn lực để tập trung thực hiện đồng bộ nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu, như: hạ tầng băng thông rộng, hạ tầng Internet vạn vật (IoT); hạ tầng điện toán đám mây; ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6) Trung tâm tích hợp dữ liệu, Trung tâm điều hành thông minh, Trung tâm giám sát an toàn thông tin; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng; nền tảng thanh toán trực tuyến, di động…

Thứ ba, xây dựng, phát triển dữ liệu số. Yếu tố quan trọng đầu tiên của bất kỳ quá trình chuyển đổi số nào chính là dữ liệu số. Nếu không có dữ liệu số, sẽ không thể xác định mô hình hoạt động số và tiến hành chuyển đổi số. Để công cuộc chuyển đổi số thành công, mỗi địa phương trong quá trình triển khai xây dựng dữ liệu phải có chiến lược cụ thể, phù hợp với chiến lược dữ liệu quốc gia, tuân thủ nguyên tắc thu thập dữ liệu một lần (once-only) nghĩa là, khi dữ liệu đã được cơ quan nhà nước thu thập, quản lý và chia sẻ thì cơ quan nhà nước sẽ không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp lại.

Quá trình triển khai, xây dựng, phát triển dữ liệu số bao gồm: xác định mục đích sử dụng dữ liệu, thu thập nguồn dữ liệu, số hóa dữ liệu; triển khai kết nối liên thông dữ liệu từ các hệ thống, chuẩn hóa, tái cấu trúc cơ sở dữ liệu đang hoạt động (trong và ngoài địa phương) thông qua các hệ thống, nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu của địa phương (LGSP), của quốc gia (NGSP); hình thành, xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của địa phương trên cơ sở vừa cung cấp dữ liệu phục vụ chuyển đổi số ở các lĩnh vực đang triển khai, cũng như khai thác trực tiếp để phục chuyển đổi số ở các lĩnh vực mới.

Thứ tư, phát triển ứng dụng số hóa (hoạt động số). Sự biểu hiện cụ thể của quá trình chuyển đổi số ở mỗi lĩnh vực chính là việc xác định mô hình chuyển đổi, lựa chọn các ứng dụng số (các phần mềm, dịch vụ CNTT, công cụ hỗ trợ…) để tổ chức hoạt số dựa trên các yếu tố hạ tầng số, nền tảng số, nguồn dữ liệu số, cơ sở pháp lý, đảm bảo an toàn, anh ninh thông tin, nguồn nhân lực…Việc phát triển ứng dụng số - hoạt động số cần được quan tâm triển khai thực hiện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tập trung ưu tiên cho phát triển các ứng dụng số hóa trong hoạt động của chính quyền để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số ở các địa phương.

Ngoài những vấn đề cơ bản nêu trên, để công cuộc chuyển đổi số ở các địa phương thành công còn phụ thuộc vào các yếu tố: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số; đảm bảo an toàn và an ninh thông tin; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng, hình thành văn hóa số…

Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đang trở thành động lực lớn nhất tạo ra sự phát triển đột phá trên các mặt quản lý, kinh tế, xã hội. Chuyển đổi số tạo ra sự thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện từ Chính phủ đến các địa phương, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, người dân và trong mọi lĩnh vực. Trên cơ sở nhận diện những vấn đề cơ bản, một số nhân tố chủ yếu tác động đến quá trình chuyển đối số. Mỗi địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần nhanh chóng hoạch định cho mình một chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số phù hợp. Người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy là người tư duy, lựa chọn định hướng, xác định mục tiêu, ra đề bài về chuyển đổi số và quan trọng hơn là luôn đồng hành trên hành trình chuyển đổi số.

Theo nbtv.vn

Văn bản mới