Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình
Chào mừng bạn đến website Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình

Thông tin Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (VILG)

Thứ tư, 20/10/2021

Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và CSDL đất đai” vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (Dự án VILG) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Dự án tại Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30 tháng 05 năm 2016 và được Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới ký Hiệp định tài trợ số 5887-VN ngày 23 tháng 12 năm 2016.

1.1. Mục tiêu của Dự án

- Mục tiêu tổng thể:

     • Phát triển, vận hành một MPLIS nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức và người dân.

     • Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch của công tác quản lý đất đai tại địa bàn thực hiện Dự án thông qua việc hoàn thiện CSDL đất đai.

- Mục tiêu cụ thể của Dự án:

     • Xây dựng MPLIS trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất trên toàn quốc.

     • Hoàn thiện và vận hành CSDL đất đai quốc gia (dữ liệu địa chính, dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai,...) phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan (thuế, công chứng, quy hoạch, quản lý xây dựng và đô thị,...).

     • Hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai thông qua việc hiện đại hóa các Văn phòng đăng ký đất đai từ việc cải tiến quy trình, tiêu chuẩn dịch vụ tới việc trang bị thiết bị đầu - cuối của các Văn phòng đăng ký đất đai và đào tạo cán bộ.

     • Nâng cao hiệu quả nhận thức của cộng đồng đối với công tác quản lý, xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai.

1.2. Các Hợp phần của Dự án

Dự án gồm 3 Hợp phần như sau:

Hợp phần 1: Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ đất đai

Hợp phần 1 hỗ trợ hiện đại hóa và tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công của các Văn phòng đăng ký đất đai, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng chiến lược và kế hoạch triển khai về quản lý sự thay đổi; triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông và kế hoạch phát triển DTTS của Dự án; tăng cường theo dõi, đánh giá việc quản lý, sử dụng đất để đảm bảo thi hành thống nhất Luật Đất đai.

Hợp phần này gồm 03 tiểu hợp phần:

- Tiểu hợp phần 1.1. Hiện đại hóa và tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai

- Tiểu hợp phần 1.2. Đào tạo, truyền thông và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển DTTS;

- Tiểu hợp phần 1.3. Theo dõi, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất.

Hợp phần 2: Xây dựng CSDL đất đai và triển khai MPLIS

Hợp phần 2 hỗ trợ xây dựng nền tảng kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ cho công tác quản lý đất đai, chia sẻ và cung cấp thông tin đất đai cho các ngành, lĩnh vực và cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng có nhu cầu, tiến tới xây dựng chính phủ điện tử trong lĩnh vực đất đai thông qua việc phát triển một hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu, được vận hành theo một hệ thống thống nhất, cho phép các ngành kinh tế - xã hội khai thác như là một nguồn dữ liệu đầu vào để xây dựng định hướng phát triển cũng như hỗ trợ các hoạt động có liên quan của ngành, lĩnh vực đó, cho phép người dân truy cập để nắm bắt thông tin.

Hợp phần này gồm 03 tiểu hợp phần:

- Tiểu hợp phần 2.1. Triển khai MPLIS;

- Tiểu hợp phần 2.2. Xây dựng CSDL đất đai quốc gia;

- Tiểu hợp phần 2.3. Tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và liên thông dữ liệu giữa các cấp, các ngành.

Hợp phần 3: Quản lý Dự án

Hợp phần 3 hỗ trợ việc điều phối, quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá Dự án, đảm bảo đạt được mục tiêu của Dự án một cách hiệu quả và bền vững hơn. Hợp phần này gồm 2 tiểu hợp phần:

- Tiểu hợp phần 3.1. Hỗ trợ quản lý Dự án;

- Tiểu hợp phần 3.2. Theo dõi và đánh giá Dự án.

1.3. Phạm vi thực hiện Dự án

Dự án được thực hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm xây dựng MPLIS trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất trên toàn quốc.

1.3.1. Nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đầu tư xây dựng CSDL

a) Tiêu chí chính để lựa chọn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đầu tư xây dựng CSDL

Trong quá trình chuẩn bị Dự án, để lựa chọn các tỉnh, thành phố để đầu tư xây dựng CSDL, các tiêu chí lựa chọn địa bàn tham gia Dự án đã được xây dựng va tham vấn các cơ quan có liên quan. Cụ thể các nhóm tiêu chí chính như sau:

(i) Nhóm tiêu chí định lượng: dựa trên thống kê về kết quả thực hiện công tác quản lý đất đai trên địa bàn các tỉnh, bao gồm các tiêu chí: tỷ lệ số thửa đã có bản đồ địa chính chính quy, tỷ lệ Giấy chứng nhận đã cấp, tỷ lệ hoàn thành hồ sợ địa chính, số lượng giao dịch đất đai, ngân sách Nhà nước cấp, số thu từ đất, mức đầu tư kinh phí của địa phượng cho nhiệm vụ quản lý đất đai cao trong các năm gần đây.

(ii) Nhóm tiêu chí định tính: là các tiêu chí đánh giá về sự sẵn sàng và phối hợp của các địa phương, bao gồm các tiêu chí: mức độ tuân thủ về chế độ báo cáo, cung cấp thông tin, mức độ hợp tác, phối hợp công việc, mức độ sẵn sàng thực hiện Dự án.

(iii) Nhóm tiêu chí về nhu cầu, tiềm năng: có nhu cầu cao đối với thông tin đất đai, có tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội, có tiềm năng phát triển thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản, có khả năng tạo ra các tác động lan tỏa.

(iv) Nhóm tiêu chí về cam kết: có cam kết thực hiện Dự án, có năng lực thực hiện Dự án, có cam kết bố trí nguồn lực tài chính và con người để tiếp nhận và khai thác hệ thống, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống sau khi tiếp nhận kết quả từ Dự án.

(v) Nhóm tiêu chí về điều kiện kinh tế-xã hội: điều kiện kinh tế-xã hội kém phát triển, địa bàn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, địa bàn phát triển về nông sản như chuyên sản xuất lúa, cà phê,...

(vi) Nhóm tiêu chí về vị trí địa lý: mang tính đại diện vùng, miền, lựa chọn mỗi vùng (Bắc - Trung - Nam) một số tỉnh làm trọn tỉnh để nhân rộng mô hình, có thể sắp xếp các tỉnh thành các nhóm tỉnh có vị trí địa lý gần nhau để dễ thực hiện công tác quản lý Dự án sau này.

(vii) Nhóm tiêu chí về hiệu quả đầu tư: không lựa chọn các địa bàn đang có Dự án đầu tư, lựa chọn một số tỉnh đã tham gia Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa Hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (Dự án VLAP) để tiếp tục hoàn thiện ở mức độ nâng cao các kết quả của Dự án VLAP.

(viii) Nhóm tiêu chí mở: sau khi cân đối nguồn kinh phí, nếu còn dư sẽ tiếp tục lựa chọn các tỉnh, huyện khác.

b) Danh sách 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đầu tư xây dựng CSDL gồm:

-  Khu vực Miên Bắc (14 tỉnh): Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cao Bằng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Hải Phòng;

-  Khu vực Miên Trung, Tây Nguyên (10 tỉnh): Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Phú Yên, Lâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắc Lắk;

-  Khu vực Miên Nam (9 tỉnh): Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Long An, Tây Ninh, Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre.

Số lựợng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ựơng đựợc đầu tự xây dựng CSDL đất đai sẽ đựợc quyết định sau khi Bộ Tài chính thực hiện thẩm định khả nắng trả nợ của ngân sách cấp tỉnh. Việc xem xét, mở rộng thêm phạm vi Dự án sẽ đựợc cân nhắc khi tiến hành đánh giá giữa kỳ hoặc khi có nhu cầu phát sinh, đựợc sự phê duyệt của Chính phủ Việt Nam và NHTG.

1.3.2. Nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không được đầu tư xây dựng CSDL

Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không được đầu tư xây dựng CSDL đất đai trong phạm vi Dự án, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở TNMT thành lập Tổ công tác tiếp nhận Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS).

1.4. Thời gian thực hiện Dự án

Dự án được thực hiện trong thời gian 5 năm, từ 2017-2022 (các hoạt động sử dụng vốn IDA kết thúc năm 2021).

Bài viết khác
Văn bản mới