Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình
Chào mừng bạn đến website Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình

Tổng cục Quản lý đất đai tổ chức làm việc với Ngân hàng Thế giới về dự án VILG

Thứ tư, 20/10/2021

     Trong tuần vừa qua, từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 4 năm 2021, Tổng cục Quản lý đất đai đã có các buổi làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về các nhiệm vụ của Dự án VILG và một số nội dung khác có liên quan qua hình thức trực tuyến và trực tiếp.

     Theo Hiệp định đã ký kết, mục tiêu thực hiện Dự án là “nâng cao hiệu suất và tính minh bạch của dịch vụ quản lý đất đai tại các tỉnh dự án thông qua việc phát triển và thực hiện Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS) quốc gia”, theo đó các mục tiêu cụ thể được xác định gồm: Xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất trên toàn quốc; Hoàn thiện và vận hành CSDL đất đai quốc gia (dữ liệu địa chính, dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai) phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan (thuế, công chứng, ngân hàng,…); Hỗ trợ tăng cường công tác quản lý sử dụng đất đai và đảm bảo thực hiện thống nhất Luật Đất đai 2013 ở các cấp, thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá tình hình quản lý sử dụng đất; Hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai thông qua việc hiện đại hóa các VPĐK từ việc cải tiến quy trình, tiêu chuẩn dịch vụ tới việc trang bị thiết bị đầu - cuối của các VPĐK và đào tạo cán bộ; Nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với Dự án; đặc biệt là đối với công tác xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống thông tin đất đai; hệ thống theo dõi, đánh giá quản lý và sử dụng đất đai.

     Nội dung thực hiện của dự án hồm 3 hợp phần, cụ thể như sau:

     Hợp phần 1: Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ đất đai

     Thực hiện một chương trình hỗ trợ tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ đất đai ở cấp Trung ương và địa phương.

     Hợp phần 2: Xây dựng và triển khai MPLIS và cơ sở dữ liệu đất đai:

     Thực hiện một chương trình nhằm xây dựng và triển khai MPLIS và cơ sở dữ liệu đất đai, tích hợp các thông tin đất đai hiện có và cho phép cộng đồng, các cơ quan có liên quan tham gia chia sẻ thông tin đất đai, bao gồm việc hỗ trợ thực hiện các nội dunh: Xây dựng và triển khai hệ thống MPLIS; Xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia cho các khu vực được ưu tiên lựa chọn; Cho phép sự tham gia của cộng đồng và các cơ quan trong dịch vụ thông tin đất đai, bao gồm việc thiết lập Cổng thông tin đất đai MPLIS với các giao diện khác nhau cho các đối tượng Chính phủ, khu vực tư nhân và người dân, tạo điều kiện cho việc tiếp cận và chia sẻ thông tin đất đai.

     Hợp phần 3: Quản lý dự án

     Tình hình triển khai tại các địa phương, qua rà soát cho kết quả, số lượng xây dựng CSDL đất đai của 30 tỉnh thuộc dự án VILG là 254 đơn vị cấp huyện của 30 tỉnh, trong đó xây dựng mới CSDL đất đai cho 156 đơn vị cấp huyện và bổ sung thêm dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, thống kê, kiểm kê đất đai và chuẩn hóa, chuyển đổi vào hệ thống cho 98 đơn vị cấp huyện.

     Cũng trong khung chương trình làm việc, Tổng cục quản lý đất đai cũng đã có buổi làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới về công tác hỗ trợ sửa đổi Luật đất đai 2013, tìm kiến sự ủng hộ, giúp đỡ của các chuyên gia, đối tác trong và ngoài nước để Kế hoạch sửa đổi Luật đất đai trong thời gian tới được thực hiện một cách khách quan và toàn diện trên phạm vi rộng.

     Sau một thời gian triển khai các hợp phần của Dự án, phía Ban Quản lý Dự án VILG cấp Trung ương đã tổng hợp và báo cáo một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tế tại các địa phương để từ đó đề xuất điều chỉnh mục tiêu Dự án như:

     Về mục tiêu chung: Triển khai, vận hành một hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Chính Phủ, doanh nghiệp và người dân tại các địa bàn thực hiện dự án; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch của công tác quản lý đất đai tại địa bàn thực hiện dự án thông qua việc hoàn thiện CSDL đất đai.

     Về mục tiêu cụ thể: Triển khai hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất trên toàn quốc do Chính phủ Việt Nam cung cấp; Hoàn thiện và vận hành CSDL đất đai quốc gia phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan; Hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai thông qua việc hiện đại hóa các Văn phòng Đăng ký đất đai từ việc cải tiến quy trình, tiêu chuẩn dịch vụ tới việc trang bị thiết bị đầu - cuối của các Văn phòng Đăng ký đất đai và qua cổng dịch vụ công quốc gia; Nâng cao hiệu quả nhận thức của cộng đồng đối với đối với công tác quản lý, vận hành hệ thống thông tin đất đai; hệ thống theo dõi, đánh giá quản lý và sử dụng đất đai…nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam hiện nay.

Tác giả bài viết: PTH - VPTC
Nguồn tin: GDLA

Văn bản mới