Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình
Chào mừng bạn đến website Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn: Không phát triển bằng mọi giá

Thứ sáu, 29/05/2020

Sáng 13/6, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII. Những vấn đề nóng bỏng về đất đai, môi trường… đã được các Đại biểu chất vấn. Trong phiên chất vấn, các “tư lệnh” ngành cũng đã được “chỉ định” làm rõ hơn những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm.

Cần tiếp tục hài hòa lợi ích “3 nhà”
Việc giải quyết các vụ việc tranh chấp đất đai được dư luận cả nước quan tâm như vụ Tiên Lãng (Hải Phòng), Cần Thơ, Vụ Bản, Văn Giang… được khá nhiều cử tri và đại biểu quan tâm. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, để xảy ra các vụ việc này rất “đáng tiếc”. Trong những vụ việc này có trách nhiệm của các địa phương, trách nhiệm của Bộ TN&MT - những người thanh tra, kiểm tra việc thực hiện những văn bản pháp luật. Theo Bộ trưởng, cần phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức và giải quyết trên cơ sở pháp luật.
Từ các vụ việc đất đai nổi cộm đó, các đại biểu đặt ra nhiều vấn đề xung quanh quản lý đất đai.


Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể để giải quyết những bức xúc trong giao đất, thu hồi đất, bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt vấn đề trách nhiệm của ngành TN&MT trong vai trò tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách và trực tiếp giải quyết những vấn đề bức xúc về đất đai, trong bối cảnh 70% khiếu nại liên quan đến lĩnh vực này.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, để xảy ra khiếu nại trong đền bù, giải phóng mặt bằng là do chưa hài hòa được lợi ích giữa “3 nhà”: Nhà nước – nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Lý do là việc thu hồi đất ở một số dự án chưa đảm bảo được dân chủ, công khai, bình đẳng. Có lý do nữa là giá đất tính bồi thường còn thấp, chưa chú trọng trong việc tạo việc làm mới, chuyển nghề cho người có đất bị thu hồi, năng lực và đội ngũ cán bộ làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư còn có mặt hạn chế nhất định… Nghị định 69/CP đã giải quyết được một phần các bất cập này. Tuy nhiên, mỗi địa phương có những đặc thù khác nhau nên cần tiếp tục sửa đổi các chính sách.


Không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) băn khoăn về chuyện các địa phương phát triển ồ ạt các khu công nghiệp, dẫn tới tình trạng các khu công nghiệp chiếm quá nhiều đất mà hoạt động cầm chừng, sau đó thì rất khó thu hồi đất đã cấp.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, vấn đề phát triển khu công nghiệp này đòi hỏi rất bức bách đối với quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ diện tích lấp đầy tại các khu công nghiệp mới chỉ trên 50%. Trong khi tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp còn thấp như vậy thì lại vẫn triển khai các khu công nghiệp khác.
“Điều chúng ta phải xử lý tốt là cố gắng làm thế nào các nhà đầu tư sớm lấp đầy được diện tích khu công nghiệp đã xây dựng và xử lý chất thải. Quan điểm của chúng tôi là, chúng ta không hy sinh môi trường bằng mọi giá. Đối với các khu công nghiệp mới, phải làm tốt công tác thẩm định về đánh giá tác động môi trường mới được triển khai”, Bộ trưởng nói.


“Hiện nay chúng ta đang trải thảm đỏ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhưng cần phải chú ý như thế nào để tránh lãng phí đất đai. Chúng ta có bài học khá rõ, kêu gọi các nhà đầu tư vào nhưng có thể họ chỉ làm một số ít việc, như thuê đất để lắp ráp. Cần có một quy định chặt chẽ hơn để các nhà đầu tư sử dụng đất với tinh thần tiết kiệm và hiệu quả. Chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ sẽ có những văn bản để có quy định cụ thể hơn, khắc phục tình trạng này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) về chính sách gì riêng áp dụng cho các đối tượng sinh sau năm 1993 (không được chia đất nông nghiệp) để đảm bảo cuộc sống, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, việc không chia lại ruộng đất nhằm đảm bảo ổn định đời sống sản xuất của người dân. Tuy nhiên tùy vào tình hình, mỗi địa phương có cách làm linh hoạt, đảm bảo đời sống người dân. Ví dụ, có tỉnh thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa thì các tỉnh này trong địa bàn dân cư đó họ sẽ vận động nhau, tạo sự đồng thuận rất cao giữa người đang có đất và người chưa có đất.


Môi trường các dòng sông: Quyết tâm để giải quyết
Vấn đề môi trường tuy ít ý kiến chất vấn song khá tập trung vào việc giải quyết môi trường các dòng sông.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, vấn đề này đã được Chính phủ quan tâm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 3 Ủy ban lưu vực sông mang tính chất phối hợp liên tỉnh.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể và tiến độ để làm xanh lại các dòng sông. Bộ trưởng Quang cho rằng, rất khó để có câu trả lời cụ thể bởi nguồn lực chúng ta rất hạn chế, trong khi kinh phí để thực hiện các dự án giải quyết môi trường lưu vực sông khá lớn, chỉ riêng lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã tốn khoảng 3000 tỷ đồng nên chủ trương là sẽ giải quyết bằng cả ngân sách Nhà nước và huy động tài trợ quốc tế. Quan trọng hơn là ý thức người dân, doanh nghiệp phải được nâng lên, giảm lượng thải mới dần dần giải quyết được.
Về mặt tổ chức chỉ đạo và quản lý, Bộ TN&MT đề nghị Chính phủ tổ chức mỗi lưu vực sông có một Chi cục Quản lý về môi trường, trực thuộc Tổng cục Môi trường, là cơ quan tham mưu giúp cho các Ủy ban.


Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nhấn mạnh đến vấn đề cơ chế, chính sách và cách thức điều hành trong việc giải quyết ô nhiễm sông, bởi nếu không có cơ chế phù hợp thì mang một quân đoàn cũng chưa thể giải quyết được.
Riêng vấn đề giải quyết sông Hồng, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, phải giải quyết cả nguồn thải phía bên kia biên giới và kiểm soát nguồn thải trong nước. Đó là trang bị hệ thống quan trắc 24/24 giờ để biết được chất lượng của nguồn nước này. Đồng thời phối hợp với phía tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thúc đẩy tốt công tác bảo vệ môi trường.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đối với các vấn đề môi trường Bộ trưởng Bộ TN&MT đã có quyết tâm sớm giải quyết, để có được môi trường các dòng sông tốt, tạo điều kiện cho sinh hoạt, sản xuất, cho đời sống của nhân dân.
Nhật Tân

Văn bản mới