Xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số là xu thế tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Đây được xem là một trong những bước đột phá góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút vốn đầu tư và là cơ sở quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Giao dịch tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh.
Tiến trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đã và đang tạo ra nhiều thay đổi tích cực, mang lại những lợi ích to lớn về mọi mặt trong đời sống xã hội. Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển hạ tầng, nền tảng số.
Hạ tầng công nghệ thông tin; Mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống đường truyền Internet, tốc độ truy cập mạng băng thông rộng cố định, di động; Trung tâm dữ liệu tỉnh, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh.
Tỉnh cũng cơ bản hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác sử dụng ổn định, hiệu quả các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung, tạo tiền đề thúc đẩy xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC…
Công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng gắn với chuyển đổi số được chú trọng, đặc biệt trong hoạt động giám sát, cảnh báo sớm, từ đó bảo đảm tốt nhiệm vụ rà soát nguy cơ gây mất an toàn thông tin, tăng cường khả năng hỗ trợ ứng cứu, tham gia giải quyết sự cố.
Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra sự cố mất an toàn, an ninh mạng. 100% cơ quan, đơn vị nhà nước cấp sở, ngành, huyện đã trang bị hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. 100% mạng LAN cơ quan, đơn vị đã trang bị hệ thống tường lửa...
Mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ công tác điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính quyền các cấp và hoạt động của các tổ chức, cá nhân được đảm bảo an toàn tuyệt đối; nhu cầu thông tin liên lạc, kết nối, truyền tải dữ liệu, hình ảnh trong các dịp lễ, Tết, sự kiện lớn của tỉnh được đáp ứng tối đa…
Ninh Bình là một trong các địa phương sớm triển khai thực hiện đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp và hoàn thành kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia. Đảm bảo an toàn thông tin phục vụ kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo chuẩn của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Năm 2025, Ninh Bình xác định khâu đột phá trong chuyển đổi số của tỉnh là thực hiện chuyển đổi căn bản các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; cung cấp dịch vụ công; giám sát, kiểm tra lên môi trường điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền số ở các cấp nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, yêu cầu tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác kiểm soát và cải cách thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công thiết yếu đảm bảo thực chất, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các Hệ thống thông tin, hạ tầng, nền tảng số; phát triển các điều kiện công dân số; thiết lập hạ tầng, mạng lưới bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin đủ mạnh; triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn mạng, đảm bảo hoạt động an toàn cho hạ tầng số và các hệ thống thông tin; tạo lập, chuẩn hóa, thu gom, tích hợp dữ liệu số theo hướng quản lý, lưu trữ tập trung, chia sẻ dùng chung phục vụ xây dựng Chính quyền số dựa trên công nghệ số và dữ liệu số; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số thông qua đẩy mạnh các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo đó, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến năm 2025 đạt một số chỉ tiêu lớn như: 100% nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được cụ thể hóa thực hiện bằng các văn bản, kế hoạch và theo dõi, giám sát, đánh giá thường xuyên; 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025. 100% địa bàn dân cư trên địa bàn tỉnh được phủ sóng mạng di động 4G, 5G.
Phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 100% các cơ quan, đơn vị tham gia cung cấp, mở dữ liệu và cập nhật thường xuyên trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh; 100% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung trên địa bàn tỉnh được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia theo lộ trình, yêu cầu của Chính phủ.
Tỷ lệ phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước đạt 100%... Cùng với đó, phấn đấu 100% văn bản (trừ văn bản mật theo quy định) trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số theo quy định; phấn đấu 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% công việc tại cấp huyện, 80% công việc tại cấp xã được quản lý, xử lý và luân chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Tỷ lệ dân số trưởng thành được cấp chứng thư chữ ký số, chứng thư chữ ký điện tử đạt trên 50%... Tỉnh Ninh Bình xác định, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số là xu thế khách quan trong quản trị địa phương hiện nay.
Đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao; đồng bộ triển khai ở các cấp, các ngành, đơn vị, người dân và doanh nghiệp; kiên trì, bền bỉ thực hiện những nhiệm vụ đã đề ra. Từ đó nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân về chuyển đổi số, Đề án 06 của Chính phủ, đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Theo baoninhbinh.org.vn