Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Ninh Bình đề ra mục tiêu có thêm 41/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao. Phấn đấu đến hết năm 2025, tỉnh có 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2025.
Miền quê đáng sống
Về Hoa Lư hôm nay sẽ cảm nhận được sự đổi thay của một huyện NTM nâng cao với những con đường rộng thênh thang, sạch đẹp, những ngôi nhà cao tầng khang trang, toát lên cuộc sống ấm no của làng quê đổi mới. NTM đang dần hiện hữu, Hoa Lư đang trở thành một miền quê đáng để sống.
Hoa Lư là mảnh đất có truyền thống lịch sử, văn hóa hàng ngàn năm, là nơi đặt kinh đô của nước Đại Cồ Việt, nơi phát tích 3 triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý thế kỷ thứ X. Hoa Lư lại là huyện bán sơn địa, nơi chuyển tiếp giữa miền rừng núi và đồng bằng, xen kẽ nhiều thung lũng, hang động tự nhiên đã tạo nên phong cảnh thiên nhiên kỳ thú.
Phát huy tiềm năng, lợi thế đó, những năm qua, huyện Hoa Lư đã tập trung xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết về phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Hoa Lư tiếp tục thực hiện tốt các nội dung chuyển đổi số trong quảng bá xúc tiến du lịch; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; liên doanh, liên kết đào tạo nguồn nhân lực...
Bức tranh nông thôn mới của Ninh Bình trở thành những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Minh Ngọc
Hướng tới huyện NTM kiểu mẫu, song song với triển khai chương trình chuyên đề phát triển sản phẩm OCOP, huyện Nho Quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính, dịch vụ công, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai ứng dụng ở 100% cơ quan, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị trực thuộc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Nhiều người dân đã hình thành thói quen nộp và nhận kết quả bằng hình thức trực tuyến với 83,2% hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến. Huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tích cực hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như: Hướng dẫn cách sử dụng sổ sức khỏe điện tử; phần mềm tiêm chủng mở rộng; thanh toán số; tham gia sàn thương mại điện tử…
Nhiều nông dân đã tham gia sàn giao dịch điện tử thương mại để quảng bá và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp; tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như xây dựng mô hình tưới tiết kiệm nước; nuôi dê núi theo chuỗi giá trị; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc… Việc kết hợp hài hòa giữa các chương trình OCOP, chuyển đổi số ở Nho Quan góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương.
Xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, liên tục
Đến hết tháng 9-2024, toàn tỉnh có 119/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (trong đó 53/119 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, 18/119 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu); 6/6 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới... Đến nay, toàn tỉnh có 186 sản phẩm OCOP gồm 69 sản phẩm 4 sao và 117 sản phẩm 3 sao.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình tham quan mô hình sản xuất chạch sụn - một sản phẩm OCOP của xã Yên Hòa, huyện Yên Mô. Ảnh: Minh Ngọc
Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình Hoàng Ngọc Chinh cho hay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động. Nổi bật trong đó là việc thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chất lượng sản phẩm và việc đảm bảo các tiêu chuẩn được đặt lên hàng đầu.
Với định hướng của tỉnh là xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch quốc gia, vì vậy các địa phương xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch, trọng tâm là xây dựng cảnh quan nông thôn, bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống.
Theo Nbtv.vn