Ngay từ khi công cuộc chuyển đổi số được Thủ tướng chính phủ khởi xướng, nhận thức đóng vai trò quyết định. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
Ảnh minh họa.
Công cuộc chuyển đổi số đã bước sang năm thứ 3, nếu như 2 năm đại dịch 2020 - 2021, chuyển đổi số được thực hiện song song đồng hành và có phần âm thầm thì đến năm 2022, chuyển đổi số đã bước vào giai đoạn tăng tốc, gặt hái hiệu quả ước lượng được. Tuy nhiên, nhận thức vẫn luôn là vấn đề quan trọng, then chốt và kiên quyết trong mọi vấn đề của chuyển đổi số.
Điểm qua một số hoạt động, công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022:
Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày 10 tháng 10 là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Chủ đề năm 2022 là “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân” . Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch hướng dẫn thực hiện. Theo đó, hoạt động hưởng ứng năm 2022 tập trung vào các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; thúc đẩy, quảng bá toàn dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số Việt Nam; thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, giúp người dân được thụ hưởng kết quả chuyển đổi số. Bên cạnh 02 địa phương cũng lựa chọn ngày này Chuyển đổi số địa phương trùng Ngày Chuyển đổi số quốc gia thì có 05 địa phương chọn ngày Chuyển đổi số địa phương khác. Ngày Chuyển đổi số không chỉ là một ngày kỉ niệm mà còn nhiều mục đích như: nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Với cương vị là Bộ khởi xướng và chủ trì chính nhiệm vụ chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều hoạt động nhằm giới thiệu, tuyên truyền và phổ biến các điểm sáng về chuyển đổi số. Một trong những hoạt động đó là tổng hợp và công bố 55 bài toán chuyển đổi số của các bộ, ngành và địa phương tại địa chỉ: https://c63.mic.gov.vn/ và công bố 21 câu chuyện chuyển đổi số Việt Nam từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để lan toả những sáng kiến, cách làm, kinh nghiệm, bài học, mô hình tham khảo về chuyển đổi số tại địa chỉ: https://t63.mic.gov.vn/. Một hoạt động khác cũng đang được sự hưởng ứng cao của người dân là kênh truyền thông Zalo OA "Chuyển đổi số quốc gia".
Tuy nhiên bên cạnh đó thì vẫn có nhiều hạn chế cần nhanh chóng thay đổi khắc phục:
Các bộ, ngành, địa phương vẫn lúng túng trong việc xác định tường minh bài toán chuyển đổi số của mình và thứ tự cần ưu tiên giải quyết. Các bộ, ngành, địa phương vẫn thực hiện tuyên truyền, phổ biến theo cách thức truyền thống là tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc tuyên truyền, phổ biến các nội dung chung chung, chưa gắn với yêu cầu thực tiễn của bộ, ngành, địa phương.
Việc truyền thông thay đổi nhận thức xuyên suốt các cấp vẫn còn lờ mờ bởi thiếu những câu chuyện việc làm cụ thể từ địa phương.
Vì vậy, để 6 tháng cuối năm cũng như tổng thể 2022, Việt Nam tiếp tục gặt hái những thành quả trong chuyển đổi số thì cần thiết sự vào cuộc của không chỉ cơ quan nhà nước mà còn cả người dân, cần có sự lan tỏa nhiều hơn nữa về những câu chuyện chuyển đổi số thực, chất mà thành công. Một trong những cách làm đơn giản để thúc đẩy chuyển đổi số từ bạn đọc là chia sẻ bài viết, kênh truyền thông Zalo OA này và gửi về cho kênh những câu chuyên chuyển đổi số thực tiễn./.
Theo: Sở Thông tin và Truyền thông