Chiều 15/8, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng những tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022.
Đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ trì hội nghị
Dự hội nghị có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị…
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, có quan điểm rõ ràng, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành thực hiện chuyển đổi số gắn liền với tiếp tục xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử/Chính quyền số, tạo động lực quan trọng, đưa tỉnh Ninh Bình bứt phá vươn lên đạt mục tiêu về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành hiện đã và đang triển khai đồng bộ cho 100% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị trực thuộc của các cơ quan, đơn vị đã thực hiện ký số hồ sơ, văn bản điện tử.
Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị và sớm hoàn thành việc kết nối theo yêu cầu với các hệ thống của quốc gia.
Nền tảng Chính quyền điện tử/Chính quyền số đang được xây dựng trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng, kế thừa hạ tầng kỹ thuật, thiết bị sẵn có để phát triển, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Đồng thời, hệ thống thông tin, hạ tầng mạng của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đồng hành, vào cuộc quyết liệt, qua đó đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử/Chính quyền số, chuyển đổi số trong thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả.
Năm 2021, tỉnh Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số) đánh giá, xếp hạng thứ 6 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về kết quả thực hiện các chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, ngành, địa phương.
Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh, đại diện một số cơ quan, đơn vị phát biểu, nêu lên những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Tập trung vào các nhiệm vụ trong công tác chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, giáo dục, y tế, văn hóa, tài nguyên môi trường…, các nhiệm vụ đặt ra cụ thể những tháng cuối năm 2022 và trong những năm tiếp theo, đảm bảo cho công tác chuyển đổi số diễn ra theo đúng tiến độ, đạt hiệu quả.
Đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh phát biểu kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số của tỉnh Ninh Bình.
Năm 2021, kết quả xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, Ninh Bình tăng 2 bậc so với năm 2020, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành của cả nước. Trong đó, xếp hạng Chính quyền số: Xếp thứ 5; Kinh tế số: thứ 8 và Xã hội số: thứ 5. Đội ngũ làm công tác chuyển đổi số đã làm tốt tham mưu và tích cực thực hiện, đạt được nhiều kết quả trong triển khai nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần phải chấn chỉnh, khắc phục. Trong đó, còn một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng đắn vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện. Việc triển khai các nhiệm vụ xây dựng, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số phục vụ chuyển đổi số của tỉnh còn chậm, không đạt tiến độ, yêu cầu đề ra. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng còn chưa được coi trọng, nguy cơ mất an toàn thông tin là rất cao...
Để tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục xác định xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền.
Quan điểm của tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong đó, giai đoạn đầu, dành trọng tâm ưu tiên cho xây dựng, phát triển Chính phủ số, lấy Chính phủ số làm động lực thúc đẩy Kinh tế số, Xã hội số. Đòi hỏi công tác chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện phải thực chất, hiệu quả.
Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm nghiên cứu, rà soát, xác định các bài toán cụ thể để phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị trong Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh năm 2023, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, khả thi.
Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền để thực hiện hoàn thành đúng tiến độ, hiệu quả các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo ATTT mạng năm 2022.
Tiếp tục rà soát, ban hành kịp thời các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan Nhà nước; gắn kết chặt chẽ hoạt động chuyển đổi số của tổ chức, của cán bộ, công chức với công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm./.
Theo: baoninhbinh.org.vn