Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và kết nối liên thông là mục tiêu lớn đang được Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh triển khai nhằm quản lý, phát huy hiệu quả tài nguyên đất đai phục vụ phát triển bền vững, đáp ứng công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.
Phòng kỹ thuật địa chính và thông tin lưu trữ, Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên-Môi trường) thường xuyên cập nhật CSDL đất đai đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống".
Là một trong 3 đơn vị cấp huyện của tỉnh triển khai CSDL đất đai, với sự quyết tâm và những giải pháp cụ thể, đến ngày 16/8/2024, thành phố Ninh Bình đã cập nhật vào CSDL đất đai 30.000/50.000 thửa đất. Đồng chí Nguyễn Mạnh Kiên, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Ninh Bình cho biết: Chi nhánh đã đẩy mạnh số hóa và cung cấp dữ liệu số hóa hồ sơ đất đai cho các đơn vị trên hệ thống để thực hiện các thủ tục hành chính thuận lợi.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong xây dựng CSDL đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Thực tế cho thấy, phát triển, vận hành CSDL đất đai đồng bộ, hiện đại, tập trung và kết nối liên thông sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng lãng phí tài nguyên đất, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước cũng như đảm bảo tính minh bạch trong quản lý đất đai. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường luôn bám sát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Nhân dân đến thực hiện số hóa đất đai tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Ninh Bình.
Đồng chí Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Ninh Bình là một trong 28 tỉnh thực hiện Dự án "Tăng cường quản lý đất đai và CSDL đất đai" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/5/2016. Đến nay, 3 đơn vị cấp huyện (thành phố Ninh Bình, huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn) đã hoàn thiện việc triển khai dự án.
Theo đó, từ ngày 1/8/2022, sau khi nhận bàn giao kết quả Dự án từ đơn vị thi công, Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao Văn phòng Đăng ký đất đai quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác, sử dụng CSDL đất đai.
Việc vận hành, cập nhật, khai thác, sử dụng CSDL đất đai đối với các xã, phường, thị trấn của 3 đơn vị cấp huyện (thành phố Ninh Bình, huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn) bằng hệ thống phần mềm CSDL đất đai (gọi tắt là phần mềm VBDLIS) do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel cung cấp. Tính đến ngày nghiệm thu Dự án (ngày 30/11/2022) đã hoàn thành việc xây dựng CSDL đất đai (gồm 4 CSDL thành phần: CSDL địa chính; CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; CSDL thống kê, kiểm kê đất đai và CSDL giá đất) và kết nối với CSDL đất đai quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý đối với cả 3 đơn vị cấp huyện thực hiện Dự án.
Sau khi kết thúc Dự án, trong năm 2023, Văn phòng Đăng ký đất đai đã chủ động xây dựng CSDL đất đai (CSDL địa chính) thêm 3 xã (xã Gia Lâm, xã Thanh Lạc - huyện Nho Quan và xã Gia Lập - huyện Gia Viễn).
Tính đến ngày 15/4/2024, CSDL địa chính đang vận hành, khai thác trên hệ thống phần mềm VBDLIS của 61 đơn vị cấp xã thuộc 5 đơn vị cấp huyện, trong đó: Thành phố Ninh Bình có 14 đơn vị cấp xã; huyện Yên Khánh 19 đơn vị cấp xã; huyện Kim Sơn 25 đơn vị cấp xã; huyện Nho Quan 2 đơn vị (xã Gia Lâm, xã Thanh Lạc); huyện Gia Viễn 1 đơn vị (xã Gia Lập).
Toàn bộ CSDL địa chính của 61 đơn vị cấp xã thuộc 5 đơn vị cấp huyện được lưu trữ, vận hành, cập nhật và khai thác trên hệ thống phần mềm VBDLIS; số liệu khai thác trên CSDL đất đai thường xuyên được cập nhật, bổ sung, làm mới theo đúng tinh thần "đúng, đủ, sạch, sống".
Cán bộ, công chức, viên chức Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát thông tin đất đai tại Kho lưu trữ hồ sơ.
Từ khi sử dụng hệ thống phần mềm VBDLIS, Văn phòng Đăng ký đất đai đã thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai trên môi trường điện tử liên thông từ cấp xã, huyện, tỉnh và đồng bộ với CSDL đất đai Quốc gia, liên thông với cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai (phần mềm Quản lý nguồn thu từ đất của cơ quan Thuế) và liên thông với phần mềm VNPT-iGate của hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh để tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đối với cấp tỉnh, Bộ phận Một cửa các huyện, thành phố. Qua đó góp phần giảm thời gian đi lại của công dân, doanh nghiệp, nâng cao tính hiệu quả, minh bạch trong công tác giải quyết TTHC về lĩnh vực đất đai.
Đồng chí Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm: Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết số 198-NQ/BCS ngày 30/9/2021 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh; Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 15/10/2021 của UBND tỉnh về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, địa giới hành chính và xây dựng CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định số 769/QĐ-UBND ngày 6/9/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt "Đề án tổng thể đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng CSDL địa chính tỉnh Ninh Bình". Mục tiêu đến hết năm 2025, 100% đơn vị cấp xã của tỉnh cơ bản được đo đạc chính quy dạng số, hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng CSDL địa chính.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện các bước để trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí cho nhiệm vụ "Thuê phần mềm, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác CSDL đất đai tại tỉnh Ninh Bình".
Theo: BaoNinhbinh