Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình
Chào mừng bạn đến website Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình
Chung nhan Tin Nhiem Mang

Ninh Bình phát triển tổ công nghệ số cộng đồng

Thứ tư, 30/10/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh đến từng thôn, xóm, tổ dân phố, thời gian qua, các tổ công nghệ số cộng đồng đã kiên trì, bền bỉ tuyên truyền, phổ cập công nghệ, kỹ năng số tới từng người dân, giúp mọi người hiểu, tin tưởng và tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đến nay, nhận thức, hành động của nhân dân đã có nhiều thay đổi. Công nghệ thông tin được ứng dụng để giải quyết những vấn đề thiết thực trong cuộc sống và công việc của nhiều người. 

Tổ công nghệ số tuyên truyền, phổ cập công nghệ số, kỹ năng số, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số. 

Mỗi tổ công nghệ số cộng đồng có từ 5-7 người, với nòng cốt là lực lượng đoàn viên thanh niên thường xuyên thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số; hướng dẫn sử dụng những tiện tích công nghệ số gần gũi, sát thực nhất với nhu cầu của từng cá nhân, gia đình.

Với cách tuyên truyền, hướng dẫn linh hoạt, sáng tạo, đến nay, nhiều ứng dụng công nghệ đã được người dân sử dụng thuần thục như một thói quen trong cuộc sống. Điển hình là việc thanh toán không dùng tiền mặt được áp dụng rộng rãi. Các đại lý bán hàng, cửa hàng tạp hóa đều có sẵn mã QR, thuận tiện cho người dân thanh toán những đơn hàng từ lớn tới nhỏ.

Người dân quét mã QR thanh toán tại cửa hàng tạp hóa

Khi đã cảm nhận rõ và chủ động sử dụng công nghệ thông tin phục vụ công việc, cuộc sống của mình thì việc tuyên truyền, vận động người dân giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử thay thế cho phương thức dùng hồ sơ giấy truyền thống cũng đã có nhiều kết quả khả quan. Với mục tiêu ít nhất mỗi gia đình có 1 người biết và thực hiện. Với những người trẻ, tổ công nghệ số cộng đồng sẽ hướng dẫn ngay trên cổng dịch vụ công của tỉnh hoặc của quốc gia. Với những người cao tuổi, thì tuyên truyền chủ chương, lợi ích của DVCTT để từ đó, với uy tín của mình, họ sẽ lan tỏa cho các thành viên trong gia đình.   

Chuyển đổi số cần bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là điều thiết thực và gần gũi. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập được 1.675 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 8.400 thành viên ở 143 xã, phường, thị trấn. Đây là lực lượng đã đang góp phần quan trọng hỗ trợ chính quyền, Ban chỉ đạo chuyển đổi số thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần hình thành những công dân số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của tỉnh.

Theo Nbtv.vn

Văn bản mới