Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, công sức, cắt giảm các chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp mà còn góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đồng thời làm giàu nhanh dữ liệu chung. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này thì công tác tuyên truyền được các sở, ngành, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình xác định là khâu đột phá và cần đi trước một bước.
Đến thời điểm này, Ninh Bình đang cung cấp gần 2.000 dịch vụ công trực tuyến.
Chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công là việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính công trên môi trường điện tử. Quá trình này nhằm tạo ra những thay đổi cơ bản, nâng cao chất lượng giải quyết dịch vụ hành chính công, hướng đến chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Đây là khâu quan trọng trong tiến trình triển khai Chính quyền điện tử.
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang cung cấp gần 2.000 dịch vụ công trực tuyến. Gần 1.000 dịch vụ mức độ 3, 4 của tỉnh đủ điều kiện cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng vẫn còn hạn chế. Trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch vụ được sử dụng nhiều là: Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện với hơn 6.200 hồ sơ; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp với gần 4.000 hồ sơ và Đăng ký khai sinh với hơn 3.200 hồ sơ. Trong khi đó, dịch vụ đăng ký tạm vắng mới có 7 hồ sơ.
Anh Vũ Việt Cường, thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô chia sẻ:"Hiện tại các hồ sơ của tôi làm bằng hồ sơ giấy, tôi chưa thực hiện qua internet. Nếu mà thực hiện qua internet tôi biết thì tôi sẽ thực hiện. Tại vì các hồ sơ về bệnh viện thì người ta làm hồ sơ qua internet trước thì cũng rất nhanh và không mất thời gian chờ đợi."
Còn đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thùy Dương, xã gia Trấn, huyện Gia Viễn: "Nếu mà tôi có thể thực hiện được thủ tục tại nhà bằng internet thì sau này tôi sẽ thực hiện các thủ tục đấy để thuận tiện hơn và rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục."
Các đơn vị trong tỉnh đều tập trung kiện toàn bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Thời gian qua, các sở, ngành, chính quyền các cấp đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, nhất là chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Các đơn vị đều tập trung kiện toàn bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; Quan tâm đầu tư trang thiết bị cho bộ phận 1 cửa; Hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký tài khoản và nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số và cải cách hành chính vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ông Đặng Viết Mong, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô cho biết: "Nhân dân thực hiện trên nền tảng số dịch vụ công quốc gia còn hạn chế. Việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính còn chưa nhiều. Thứ 2 là việc thu phí không qua tiền mặt đối với nhân dân cũng gặp nhiều khó khăn. Thứ 3 là hệ thống máy móc phục vụ cho bộ phận 1 cửa còn nhiều bất cập, đặc biệt là máy in, máy tính, hệ thống đồng bộ theo phần mềm của các sở ngành."
Để có thể đưa các dịch vụ công trực tuyến đến gần với người dân thì việc nhìn nhận rõ những vướng mắc, từ đó có những giải pháp đầu tư hiệu quả là điều rất cần thiết. Bên cạnh đó, việc tăng cường, đổi mới các biện pháp tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ ý nghĩa, bản chất của quá trình chuyển đổi số, cùng tham gia với các cấp chính quyền là yếu tố căn bản giúp quá trình chuyển đổi số thành công.
Ông Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình cho biết: Một trong những nhiệm vụ mang tính đột phá, đi trước một bước đó là công tác tuyên truyền để làm sao người dân thấy lợi ích, thấy thuận tiện và chính quyền phục vụ tốt hơn. Mỗi cán bộ công chức cũng phải nghiên cứu để mỗi cán bộ công chức cũng phải là một công dân số đi đầu, hướng dẫn cho mọi người thực hiện tốt các nội dung đó.
Chuyển đổi số là bài toán chủ yếu về thể chế, thay đổi cách nghĩ, cách làm và cần được thực hiện trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, bám sát, tôn trọng thực tiễn. Người dân, doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích và cách thức thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng sẽ tạo ra những giá trị lan toả lớn, góp phần hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Theo: Thu Hiền (nbtv.vn)