Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình
Chào mừng bạn đến website Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình

Đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc tại Ninh Bình

Thứ năm, 13/07/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Chiều 13/7, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do đồng chí Đặng Quốc Khánh, UV BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Ninh Bình về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Quang cảnh các đại biểu dự buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường với tỉnh Ninh Bình

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Đoàn Minh Huấn, UV BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh; các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 06 tháng đầu năm 2023; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường do đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày nêu rõ: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phát triển kinh tế - xã hội luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm với nhiều kết quả nổi bật. 6 tháng, Kinh tế tiếp tục phát triển, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,56%, xếp thứ 12/63 các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đối với công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng, việc quản lý, sử dụng đất đai cơ bản được thực hiện đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, không còn tình trạng giao đất trái thẩm quyền. Công tác lập, thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được chỉ đạo kịp thời, đúng quy định; công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhất là đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng được thực hiện chặt chẽ, tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. 

Đặc biệt, thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về đồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt về công tác đo đạc, chỉnh lý biến động đất đai sau dồn điền, đổi thửa để kịp thời cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân. Công tác quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đảm bảo, kịp thời; một số khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đã được tháo gỡ; việc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất ngày càng được tăng cường.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Công tác thẩm định, cấp phép thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Không còn diễn ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra được các cấp, các ngành chú trọng, qua đó đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời vi phạm pháp luật về đất đai.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế triển khai, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và Môi trường tại tỉnh Ninh Bình cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, tỉnh mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với tỉnh Ninh Bình có giải pháp tập trung tháo gỡ liên quan đến lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn; thực hiện các Luật, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai…

Tại hội nghị, đại diện các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi, làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực này. Đại biểu đề nghị tỉnh tập trung chỉ đạo các Sở, ngành có phương án, giải pháp bảo vệ Tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép khu vực giáp ranh. 

Một số vấn đề liên quan đến lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại các Khu, Cụm công nghiệp. Xử lý chất thải rắn, nước thải, rác thải sinh hoạt. Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải theo hướng công nghệ cao… Các nội dung liên quan đến khung giá thu gom rác thải sinh hoạt đảm bảo phù hợp với thực tế hiện nay. Thời hạn giao đất, cho thuê đất trong thực hiện các dự án. Tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thiện lại hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công tác đánh giá tổng thể môi trường, hệ sinh thái tại khu vực cửa sông Đáy, bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn. Công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên, môi trường… Việc hoàn thiện, sửa đổi, hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản, Luật đất đai, Luật Tài nguyên nước…

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc bày tỏ vui mừng khi đón đoàn công tác về làm việc tại tỉnh. Trao đổi, làm rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và các đề xuất, kiến nghị. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các vấn đề đang đặt ra tại địa phương sẽ từng bước được Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, phối hợp giải quyết hiệu quả. Nhấn mạnh, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đến công tác tài nguyên môi trường qua đó đã khơi thông và tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong thời gian tới, đồng chí mong muốn Bộ tiếp tục quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch sử dụng đất. Có sự hướng dẫn cụ thể trong việc trả tiền thuê đất hàng năm và 1 lần cho nhà đầu tư. Tham mưu, sửa đổi chính sách đền bù đối với đất vườn, ao khi thực hiện các công trình, dự án; vấn đề về thời hạn thuê đất. Hướng dẫn địa phương tích hợp thông tin các chỉ số thời tiết, khí hậu ở các Khu điểm du lịch. Tăng cường phối hợp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản. Có hướng dẫn cụ thể phân định địa giới các tỉnh có cửa sông, ven biển. Tiếp tục tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện, sửa đổi các văn bản pháp luật đảm bảo phù hợp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn trân trọng cảm ơn sự lắng nghe, các ý kiến trao đổi, làm rõ vấn đề đầy tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu. Đồng chí mong muốn, sau chuyến công tác làm việc tại tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu và có những chính sách cụ thể, đồng hành cùng với các địa phương tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường. Từ đó khơi thông, tạo động lực mới để xây dựng Ninh Bình ngày càng phát triển, tạo những giá trị cốt lõi, riêng có của vùng đất Cố đô ngàn năm văn hiến.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh bày tỏ sự vui mừng, ấn tượng trước sự phát triển của Ninh Bình. Là cửa ngõ cực Nam khu vực đồng bằng Bắc Bộ, điểm giao thoa của 3 vùng kinh tế: Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Bắc Bộ và Duyên hải miền Trung, với 3 vùng sinh thái rõ rệt. Ninh Bình - mảnh đất địa linh nhân kiệt, với những dấu ấn oai hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nơi có nhiều danh lam, thắng cảnh, di sản, di tích nổi tiếng. 

Sau hơn 30 năm tái lập, Đảng bộ, nhân dân Ninh Bình đã khai thác, phát huy rất tốt tiềm năng lợi thế của mình, trở thành 1 trong rất ít các tỉnh tự cân đối ngân sách của cả nước, thực hiện điều tiết về Trung ương. Với cơ cấu kinh tế hợp lý, nên dù ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng Ninh Bình vẫn có bước tăng trưởng cao trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023.

Đồng chí cũng đánh giá cao công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời gợi mở và đề nghị trong thời gian tới Ninh Bình cần quan tâm tập trung cao cho công tác quy hoạch tỉnh, các quy hoạch ngành để đưa vào quy hoạch Kế hoạch sử dụng đất một cách hợp lý. Tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy kinh tế theo hướng công nghệ cao, sử dụng ít diện tích đất, nhưng mang lại giá trị cao. Đi đôi với quan tâm bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khẳng định, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ kịp thời để Ninh Bình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ sẽ tổng hợp, nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ sửa đổi để hoàn thiện các Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và Luật Khoáng sản… Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phân cấp, phân quyền để cho các địa phương chủ động xây dựng chính sách và định hướng phát triển cho phù hợp.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường tại Khu Công nghiệp Gián Khẩu.

Trong chương trình làm việc, đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường tại Khu Công nghiệp Gián Khẩu. Hiện Khu Công nghiệp đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 4.000m3/ngày đêm, đảm bảo thu gom và xử lý nước thải cho tất cả các dự án đầu tư trong KCN đạt quy chuẩn cột A trước khi xả thải ra môi trường. Chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động từ các nhà máy, được các doanh nghiệp tự thu gom, phân loại, lưu giữ tại kho và ký hợp đồng với đơn vị chức năng vận chuyển, xử lý theo quy định; khí thải phát sinh được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường./.

Theo: nbtv.vn

Văn bản mới