Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình
Chào mừng bạn đến website Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình

Ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, hai mươi năm – một chặng đường!

Thứ ba, 29/08/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Hòa cùng không khí thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình (17/9/2003-17/9/2023); cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình lại nhớ về và trân trọng tình cảm, trách nhiệm của các thế hệ Lãnh đạo thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, các đồng chí nguyên Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình qua các thời kỳ, đã dành sự quan tâm và những tình cảm nồng ấm, thắm thiết cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình suốt chặng đường 20 năm qua.

Đặc biệt, những công chức, viên chức và người lao động Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình chúng tôi rất xúc động được biết, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã quan tâm, sâu sát chỉ đạo việc tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường. Đây là những tình cảm thân ái, sự quan tâm đặc biệt, nguồn cổ vũ, động viên lớn của Lãnh đạo tỉnh dành cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ở cấp Trung ương, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 02/2002/QH11 ngày 05/8/2002 về việc thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thực hiện Quyết định số 45/2003/QĐ-TTg ngày 02/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày này cách đây 20 năm, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 1865/2003/QĐ-UBND ngày 17/9/2003 về việc thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình được thành lập trên cơ sở hợp nhất tổ chức hiện có của Sở Địa chính và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản thuộc Sở Công nghiệp, tài nguyên nước thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, môi trường thuộc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường. Như vậy, cơ quan Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đa ngành đầu tiên của cả nước và từng địa phương khi đó được thành lập, có chức năng thực hiện thống nhất quản lý tổng hợp các tài nguyên đặc biệt, nguồn lực quý giá của quốc gia, không gian sinh tồn và môi trường sống của các thế hệ, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đang tham mưu quản lý nhiều lĩnh vực liên quan mật thiết đến người dân và doanh nghiệp, từ điều tra cơ bản đến nguồn lực tài nguyên cho phát triển như đất đai, khoáng sản, địa chất, tài nguyên nước, tài nguyên biển và hải đảo, khí tượng thủy văn cho đến chất lượng môi trường sống, biến đổi khí hậu; trong đó, nhiều lĩnh vực có tính phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, có tác động lớn đến đảm bảo an ninh, quốc phòng, sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình với không ít những khó khăn, thách thức nhưng cũng đầy tự hào, vẻ vang. Kể từ khi về ngôi nhà chung Tài nguyên và Môi trường, trên nền tảng bề dày truyền thống của lĩnh vực đất đai là cơ bản, với 04 cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường từ Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường chuyển về và 01 cán bộ phụ trách lĩnh vực địa chất, khoáng sản từ Sở Công nghiệp chuyển về. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong dòng chảy đổi mới, hội nhập và phát triển của địa phương nói riêng và của đất nước nói chung, thể hiện qua những dấu mốc lớn, quan trọng.

Ở tầm vĩ mô, ngay từ khi mới thành lập, trong một thời gian ngắn trên cơ sở kế thừa và phát huy bề dày truyền thống của những lĩnh vực tiền thân như đất đai, khoáng sản, môi trường, Sở đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy; củng cố, phát triển nền tảng quản lý đa lĩnh vực tại địa phương.

Thực hiện phương châm hướng về cơ sở, người dân, doanh nghiệp, lắng nghe tiếng nói của thực tiễn, cùng với Bộ chủ quản đã tập trung hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật quan trọng về tài nguyên và môi trường. Việc phối hợp tham mưu ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về đất đai tạo tiền đề cho Luật Đất đai năm 2003 ra đời, Luật Bảo vệ môi trường 2005, Luật sửa đổi một số Điều của Luật Khoáng sản, tạo lập hành lang pháp lý cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng cường phân cấp cho địa phương; hoàn thiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, của công dân trong bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách một bước thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Việc thắt chặt kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối làm việc tạo ra sự chuyển biến tích cực trong từng lĩnh vực được nhân dân, doanh nghiệp hoan nghênh và đánh giá cao.

Trong giai đoạn đất nước phải đương đầu với khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, với chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa để phát huy nguồn lực tài nguyên, lần đầu tiên quyền sử dụng đất được xác định là hàng hóa đặc biệt, hình thành nên cơ chế đấu giá giá trị quyền sử dụng đất, đã từng bước nâng cao giá trị đóng góp cho ngân sách, tạo thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Các chủ trương, chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược được hoàn thiện, đưa tài nguyên và môi trường trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Trong đó, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai thác khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Luật Khoáng sản 2010 ra đời và các văn bản dưới luật được ban hành đã góp phần giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển.

Bảo vệ môi trường được chú trọng gắn với phát triển kinh tế - xã hội; được lồng ghép vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, các chương trình, dự án. Cũng chính từ thời điểm này, mô hình phát triển bền vững đã được quan tâm, thúc đẩy bằng việc đánh giá tác động môi trường, đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đối với từng dự án, làm tiền đề cho con đường phát triển tiếp theo của từng địa phương và đất nước.

Trong giai đoạn này, lần đầu tiên, nước ta có Luật Đa dạng sinh học, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu với những quan điểm mới được tiếp thu từ quốc tế, vừa đáp ứng được tính thời sự, hội nhập, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước về phát triển bền vững, sử dụng khôn khéo các hệ sinh thái; ứng phó kịp thời với tác động của biến đổi khí hậu. Qua đó, đánh dấu bước hội nhập mới của Việt Nam với quốc tế.

Khi thế giới bước vào thời kỳ tăng cường ứng phó với thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21 là biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, cùng với cả nước, Ninh Bình cũng đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ “nâu” - phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái (sản xuất xi măng …), sang “xanh” – phát huy thế mạnh tài nguyên thiên nhiên, di sản (du lịch …), sử dụng các nguồn tài nguyên có thể tái tạo, phát thải thấp, phát triển bền vững kinh tế biển.

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ra đời. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành quyết sách tổng thể, toàn diện, xác lập vai trò đặc biệt quan trọng về quản lý tổng hợp các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Cùng với đó, các Nghị quyết số 19-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đất đai, Nghị quyết số 36-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Khí tượng thủy văn năm 2015, Luật Đo đạc và Bản đồ năm 2018 … đã được ban hành, thiết lập hệ thống chủ trương, hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, không gian sinh tồn và bảo vệ môi trường cho phát triển. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo vệ sức khỏe người dân.

Bám sát phương châm kỷ luật, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hội nhập biến thách thức thành cơ hội, việc đổi mới tư duy làm chính sách chuyển từ thắt chặt quản lý bằng công cụ hành chính sang áp dụng các công cụ kinh tế, tạo lập môi trường thuận lợi, dẫn dắt và thúc đẩy doanh nghiệp và người dân thực hiện; đặc biệt, chú trọng phân tích dự báo các xu thế quốc tế trong điều kiện hội nhập, đánh giá các tác động để chính sách không chỉ giải quyết đúng và trúng các vấn đề đặt ra từ quản lý mà còn tạo dư địa, động lực mới cho phát triển.

Môi trường và khí hậu đã trở thành một trong những trọng tâm, nội dung quan trọng trong các chương trình nghị sự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong các chủ trương, quyết sách phát triển đất nước với vai trò là vừa mục tiêu, vừa là động lực dẫn dắt. Tư duy bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động ứng phó, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi môi trường, các hệ sinh thái.

Các nguồn tài nguyên đã được quản lý tổng hợp, sử dụng hiệu quả, đa mục đích, đóng góp quan trọng vào ngân sách Nhà nước; lợi thế về biển được phát huy, đã trở thành trung tâm phát triển. Chất lượng dự báo, cảnh báo thời thiết, thiên tai ngày càng được nâng lên cao, với đủ độ chi tiết, dần tiệm cận với trình độ của các nước phát triển. Công tác phân giới cắm mốc đã góp phần xây dựng hòa bình, ổn định khu vực biên giới.

Chuyển đổi số được đẩy mạnh trên nền tảng tài nguyên số, dữ liệu lớn về thông tin địa lý, dữ liệu đất đai, dữ liệu viễn thám, … hướng tới phát triển kinh tế số ngành Tài nguyên và Môi trường. Cải cách thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy giảm khâu trung gian, quy trình hóa các khâu trong giải quyết thủ tục và hiện đại hóa nền hành chính được triển khai đồng bộ gắn với quản lý điều hành trên môi trường mạng.

Chủ động hội nhập, đóng góp nhiều sáng kiến toàn cầu, khu vực về môi trường, khí hậu. Tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại COP21 và đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tuyên bố các nhà chính trị về sử dụng đất và lâm nghiệp, tham gia Liên minh toàn cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu tại COP26. Tham gia 100 khuôn khổ hợp tác đa phương và có 90 đối tác hợp tác song phương về tài nguyên, môi trường và khí hậu, trong đó có nhiều khuôn khổ hợp tác, nước ta đóng vai trò chủ động, dẫn dắt.  Đây là những điểm nhấn trong bức tranh hội nhập của đất nước với quốc tế về môi trường và khí hậu, qua đó khẳng định vị thế, mang lại cho Việt Nam những lợi ích “kép” từ cơ hội tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính xanh, thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước và cho ngành đã ghi được nhiều dấu ấn quan trọng, các trung tâm đào tạo gồm các viện, trường đại học, trường đào tạo bồi dưỡng đã hình thành và khẳng định được vị trí trong hệ thống đào tạo của đất nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình xác định rõ được những khó khăn, thách thức và đặc biệt là đối với một ngành mới được thành lập, trải qua chặng đường 20 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, an sinh xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội. Những kết quả nổi bật đã đạt được trong 20 năm qua, đó là:

1. Công tác tổ chức bộ máy và xây dựng cơ sở vật chất được xác định là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm. Khi mới thành lập, biên chế ban đầu chỉ có 39 công chức, 18 viên chức và 61 hợp đồng lao động với 04 phòng chuyên môn và 02 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở; nguồn nhân lực thiếu và yếu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Mục tiêu của công tác tổ chức - cán bộ ngay sau khi thành lập Sở là nhanh chóng kiện toàn, ổn định tổ chức, bộ máy trên cơ sở kế thừa, chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu ở từng lĩnh vực, do vậy, theo thời gian tổ chức, bộ máy của Sở không ngừng được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Cùng với xu thế phát triển chung của ngành trên cả nước, các đơn vị thuộc Sở lần lượt được thành lập và đi vào hoạt động: Năm 2005, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh được thành lập; năm 2006, Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh được thành lập; năm 2008, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường được thành lập và cuối năm 2012, thành lập Chi cục Quản lý biển, đảo. Tiếp đó, thực hiện Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28/8/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện nhiệm vụ phù hợp với tình hình mới, Sở đã kiện toàn các phòng, đơn vị trực thuộc với 07 phòng chuyên môn, 03 Chi cục và 05 đơn vị sự nghiệp. Năm 2017, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Ninh Bình được thành lập trên cơ sở sáp nhập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường với 08 Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. Năm 2021, trên cơ sở Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, Sở đã sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là những dấu mốc quan trọng, khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh về tổ chức của Sở. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường có 05 phòng (Văn phòng Sở; Thanh tra Sở; Phòng Đăng ký đất đai và Đo đạc - Bản đồ; Phòng Tài nguyên Nước - Khoáng sản; Phòng Quy hoạch, Kế hoạch - Định giá đất và Giao đất); 01 Chi cục (Chi cục Môi trường và Biển, đảo ) và 03 đơn vị sự nghiệp (Trung tâm Phát triển quỹ đất – Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Đăng ký đất đai ) với tổng số 345 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (tăng 03 lần so với năm 2003); trình độ Thạc sỹ, Đại học chiếm trên 90%, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Nhằm tạo nguồn cán bộ kế cận, Sở luôn chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt sắp xếp đội ngũ cán bộ, thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch cán bộ; xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các giai đoạn theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của Sở, của ngành; thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí, nâng bậc lương thường xuyên, đột xuất, kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của cơ quan đến nay đã được đầu tư xây dựng khang trang hơn, hiện đại hơn. Khi mới thành lập, Sở được bố trí làm việc tại 02 trụ sở, trải qua nhiều năm, các trụ sở đã xuống cấp trầm trọng không đáp ứng được điều kiện làm việc cơ bản đối với cán bộ, công nhân viên cơ quan. Đầu năm 2016, công trình trụ sở cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường đã được khởi công xây dựng và cho đến cuối năm 2022, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, cũng như dưới sự nỗ lực của tập thể Lãnh đạo cơ quan, công trình Trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng với tòa nhà 05 tầng, diện tích mỗi tầng 1.000 m2 được xây dựng trong khuôn viên rộng trên 9.000 m2 đất, với trang thiết bị, điều kiện môi trường làm việc được đảm bảo đã tạo động lực, quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao đối với cán bộ, công nhân viên trong toàn cơ quan.

2. Công tác tuyên truyền và xây dựng pháp luật được chú trọng thực hiện. Sở đã thường xuyên tuyên truyền các quy định của Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên môi trường biển và Hải đảo … và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ, ngành liên quan; triển khai kịp thời các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tuyên truyền trên Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình, thông qua hỗ trợ pháp lý, tiếp dân, giải quyết đơn thư, giải quyết thủ tục hành chính, các dịp tổ chức Lễ phát động hướng ứng các ngày kỷ niệm của ngành cho các đối tượng có liên quan.

Hàng năm, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công nhân viên trong toàn ngành và các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân về chấp hành, thực hiện tốt quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, sau khi Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật liên quan đến lĩnh việc quản lý của ngành có hiệu lực thi hành, Sở đã tổ chức tập huấn đến các cơ quan, đơn vị có liên quan từ cấp tỉnh đến cấp xã và đề nghị UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến Luật đến nhân dân và cộng đồng dân cư nhằm nâng cao nhận thức, áp dụng pháp luật đồng bộ trên toàn tỉnh.

Từ khi được thành lập cho đến nay, Sở đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành trên 100 Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động, Quyết định, Đề án về các lĩnh vực: Quản lý đất đai; Đo đạc - Bản đồ; Môi trường; Tài nguyên nước; Tài nguyên khoáng sản; Biển - Đảo; Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; Đa dạng sinh học ... Đây là những định hướng, cơ sở pháp lý, chỉ đạo quan trọng đối với công tác quản lý Nhà nước về Tài nguyên và Môi trường phù hợp với thực tiễn của địa phương.

3. Công tác quản lý đất đai ngày càng hiệu quả hơn, việc khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng đất xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện về mặt bằng cho các ngành sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững ổn định tình hình chính trị của tỉnh.

Xác định Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý, sử dụng, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Quá trình lập, triển khai thực hiện quy hoạch, Sở luôn bám sát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xác định rõ nhu cầu sử dụng đất của các dự án, gắn quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2005-2010, Sở đã tham mưu xây dựng Quy hoạch sử dụng đất đồng bộ 03 cấp (Tỉnh – Huyện – Xã) để định hướng cho nhu cầu sử dụng đất tiết kiệm, chống lãng phí tài nguyên. Căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2010-2020, với sự tham mưu tích cực của Sở, Ninh Bình là tỉnh thứ 4 trong cả nước được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020. Tổ chức hướng dẫn việc lập, thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ cuối (2016-2020) cho 8/8 đơn vị cấp huyện (là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2016-2020). Hiện nay, Sở đang tích cực phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh. Đến nay, trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố trong vùng và lân cận, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Sở đang tích cực hoàn thiện Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025) tỉnh Ninh Bình đảm bảo thống nhất với Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong thời kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện. Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Sở sẽ hoàn thiện hồ sơ Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Để góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động phối hợp với UBND cấp huyện và các Sở, ngành liên quan thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi, giao đất, cho thuê đất. Căn cứ danh mục các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải thu hồi đất; danh mục các dự án có sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ đã được HĐND tỉnh thông qua và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt; trong 20 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 1.159 dự án đã được đầu tư với tổng diện tích đất 3.909,6 ha. Việc thu hồi đất, giao đất đã góp phần hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hàng nghìn dự án được triển khai, nhiều dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, góp phần tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh như: Nhà máy Ô tô Huyndai Thành Công; Khu Du lịch sinh thái Tràng An; Chùa Bái Đính; Khu Du lịch sinh thái Vân Long; Khu Du lịch Tam Cốc - Bích Động; Khu Du lịch sinh thái Thung Nham ... Các dự án trên cùng với cơ sở hạ tầng được đầu tư đã thay đổi diện mạo tỉnh Ninh Bình một cách mạnh mẽ trong những năm qua.

Xây dựng Bảng giá đất được triển khai đồng bộ, Sở đã tiến hành điều tra, khảo sát xây dựng Bảng giá đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, phù hợp điều kiện thực tế từng giai đoạn. Nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách từ đất đai, hằng năm Sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các Sở, ngành liên quan, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất; việc xác định giá đất cơ bản sát với giá thị trường, đã tạo một bước đi mới cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thu cho ngân sách, đồng thời hạn chế tiêu cực, vi phạm trong lĩnh vực này. Trong những năm qua, thông qua công tác đấu giá quyền sử dụng đất đã thu hàng chục nghìn tỷ đồng để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội, phục vụ dân sinh.

Nhận thức rõ Hồ sơ địa chính là phương tiện, công cụ đắc lực trong quản lý đất đai, Sở đã tích cực triển khai đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy bằng công nghệ số trên địa bàn tỉnh. Trong 20 năm đã triển khai đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy dạng số cho 120 đơn vị hành chính cấp xã với diện tích 103.577 ha; đưa số đơn vị cấp xã được đo đạc bản đồ địa chính chính quy dạng số toàn tỉnh từ 05 đơn vị hành chính cấp xã, với diện tích 7.760 ha năm 2003 lên 125/143 đơn vị hành chính cấp xã và khu vực bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn với diện tích là 111.338 ha/141.178 ha, bằng 78,86% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đã có 389.607 thửa đất với diện tích 35.888,05 ha được đăng ký; trích đo địa chính 5.465 thửa đất với diện tích 408 ha; lập 315.616 hồ sơ địa chính (7.975 hồ sơ cho tổ chức và 307.641 hồ sơ cho hộ gia đình, cá nhân); chỉnh lý 317.502 lượt hồ sơ địa chính (1.087 lượt cho tổ chức và 316.415 lượt cho hộ gia đình, cá nhân); trích lục bản đồ địa chính 128.023 thửa với diện tích 14.545 ha và đã lập Sổ địa chính điện tử cho 2.807 hồ sơ cho tổ chức.

Từ ngày 01/7/2017 (thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai) đến nay, đã cấp 6.289 Giấy chứng nhận cho tổ chức (5.161 Giấy chứng nhận lần đầu; 1.128 Giấy chứng nhận cấp đổi, cấp lại); 216.640 Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân (30.213 Giấy chứng nhận lần đầu; 186.427 Giấy chứng nhận cấp đổi, cấp lại). Nhiều đối tượng có tỷ lệ được cấp Giấy chứng nhận đạt hơn 95% như đất an ninh, đất quốc phòng, đất tôn giáo, đất ở, đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân ....

Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Từ ngày 01/01/2004 đến hết ngày 17/7/2023, toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận, xử lý 136.100 hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, trong đó: Số lượng hồ sơ của tổ chức 2.401 hồ sơ; số lượng hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân 133.699 hồ sơ.

Công tác thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất định kỳ luôn đảm bảo chất lượng và kế hoạch, đã đánh giá thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất và đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; làm căn cứ để lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; làm cơ sở đề xuất điều chỉnh chính sách, pháp luật về đất đai; cung cấp kịp thời số liệu để xây dựng niên giám thống kê các cấp và phục vụ nhu cầu thông tin đất đai cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, các nhu cầu khác của Nhà nước và xã hội.

Nhằm tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh, phục vụ tốt cho công tác quản lý đất đai, quản lý địa giới hành chính, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình chính trị của địa phương, Sở đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 198-NQ/BCS ngày 30/9/2021 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, đã xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tổng thể đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Ninh Bình. Bên cạnh đó, Ninh Bình là một trong 28 tỉnh trên cả nước thực hiện Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai” (tại tỉnh Ninh Bình, Dự án được thực hiện trên địa bàn 03 huyện, thành phố: huyện Kim Sơn, huyện Yên Khánh, thành phố Ninh Bình). Tính đến nay, toàn bộ hồ sơ giao dịch về đất đai tại 03/08 huyện, thành phố đã được vận hành, khai thác trên hệ thống Cơ sở dữ liệu đất đai Quốc gia và đã được kết nối liên thông với hệ thống Một cửa hành chính công của tỉnh và hệ thống phần mềm quản lý nguồn thu từ đất của cơ quan Thuế.

4. Công tác quản lý tài nguyên nước từng bước được tăng cường và có nhiều chuyển biến tích cực. Trước đây, công tác quản lý việc khai thác, sử dụng nước còn nhiều hạn chế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các nhà máy, xí nghiệp khai thác và sử dụng nước không có Giấy phép khai thác, không được kiểm soát về lưu lượng, mục đích sử dụng cũng như chất lượng khai thác, đồng thời tình trạng xả nước thải vào nguồn nước tự do ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường sống. Từ khi thành lập Sở, công tác quản lý Tài nguyên nước đã từng bước được tăng cường và có nhiều chuyển biến tích cực, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các quy hoạch với mục tiêu phân bổ hài hòa, hợp lý nguồn nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn toàn tỉnh và các đối tượng khai thác, sử dụng; phòng chống ô nhiễm, suy thoái nguồn nước mặt; cạn kiệt nguồn nước dưới đất; đảm bảo chất lượng nước đáp ứng nhu cầu mục đích sử dụng đối với từng nguồn nước như: Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước dưới đất tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2012-2020; Quy hoạch phân bổ nước dưới đất và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Quy hoạch phân bổ và bảo vệ Tài nguyên nước mặt tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2025, định hướng đến năm 2035 …

Công tác thẩm định hồ sơ xin cấp phép thăm dò, cấp Giấy phép khai thác tài nguyên nước được thực hiện theo quy định của Luật Tài nguyên nước và các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành; quy trình cấp giấy phép được thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền theo quy định. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 90 Giấy phép khai thác, sử dụng nước còn hiệu lực đang khai thác. Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với 78 Giấy phép khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền 19,75 tỷ đồng.

5. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp, có sự phối, kết hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan nhằm bảo vệ môi tr­­ường, cảnh quan, di tích lịch sử văn hoá, đảm bảo an ninh - quốc phòng, an toàn lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh phát triển, đồng thời từng b­­ước lập lại trật tự­ kỷ cương trong khai thác và sử dụng tài nguyên hợp lý có hiệu quả, thu hút các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư­­ vào lĩnh vực hoạt động khoáng sản, phát triển bền vững.

Để sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên khoáng sản, xác lập các vùng, khu vực để phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh, Sở đã rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định: Khoanh định các khu vực cấm, tạm cấm khai thác khoáng sản; Quy định thực hành tiết kiệm trong sử dụng đất, đá vôi và phê duyệt Quy hoạch khoanh vùng loại khoáng sản chủ yếu tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2010-2020; Khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Quy chế bảo vệ khoáng sản chưa khai thác … thông qua đó đã phát huy hiệu quả khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh hiện có 78 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, với tổng diện tích 1.152,76 ha, tổng số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương.

6. Công tác quản lý môi trường được đề cao và được kiểm soát một cách chủ động. Trước năm 2003, vấn đề ô nhiễm môi trường chung của tỉnh khá nghiêm trọng do khói, bụi của việc nung đốt gạch, vôi thủ công trong nội thị thị xã Ninh Bình; nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế chưa được thu gom, xử lý triệt để ... Sau khi được thành lập, Sở đã chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành, chỉ đạo thực hiện một số chính sách quan trọng liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh. Bằng sự quyết tâm và nỗ lực trong công tác quản lý, với việc Quy hoạch Môi trường tỉnh Ninh Bình được ban hành, đồng thời qua 12 năm thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy và 08 năm triển khai Đề án Kiểm soát ô nhiễm môi trường tỉnh, đến nay, chất lượng môi trường tỉnh Ninh Bình đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm khói bụi đã được khắc phục hoàn toàn. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã lắp đặt được 47 trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục tại 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh và truyền dữ liệu 24/24 giờ về Sở Tài nguyên và Môi trường, đạt tỷ lệ 86,36%; 04/05 Khu Công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường, đạt tỷ lệ 80%; 08/15 Cụm Công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 53,33 %... Về cơ bản, các nguồn thải lớn gây ô nhiễm môi trường đã được kiểm soát một cách chủ động; hầu hết các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đều đã được đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý rác thải y tế theo quy định; 92,5% rác thải sinh hoạt đô thị thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp được thu gom, xử lý; 83,5% các đơn vị cấp xã đã hình thành mô hình tổ thu gom rác thải nông thôn.

Bên cạnh đó, chất lượng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) từng bước được nâng cao. Toàn tỉnh đã thẩm định và phê duyệt được 374 Báo cáo ĐTM, 48 Đề án bảo vệ môi trường chi tiết, 57 Kế hoạch bảo vệ môi trường, thẩm định 67 dự án cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền ký Quỹ trên 22 tỷ đồng, xác nhận 36 đơn vị hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, cấp Giấy phép môi trường cho 22 cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Trong những năm qua, Sở đã thực hiện tốt công tác kiểm soát, hạn chế có hiệu quả mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường sống; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; chú trọng ưu tiên, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường; phối hợp thẩm định các dự án vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm phù hợp tính chất, ngành nghề; hạn chế dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp. Do vậy, các chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt yêu cầu, có sự cải thiện dần qua từng năm, trong đó, đáng chú ý là các chỉ tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị, tỷ lệ Khu Công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ chất thải y tế được thu gom xử lý góp phần giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường... 

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nông thôn mới, Sở đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm, tiêu chí chất lượng môi trường sống đảm bảo đạt yêu cầu của Bộ tiêu chí Quốc gia. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 119/119 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn Nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ Nông thôn mới; 30 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 14 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; 03 xã đã hoàn thành và đang hoàn thiện thủ tục xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

7. Công tác quản lý tổng hợp biển, đảo được quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện với phương châm chủ động trong công tác tham mưu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch về việc thực hiện: Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng khóa XII về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình…

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ: “Xây dựng Báo cáo hiện trạng quản lý và cơ sở dữ liệu tài nguyên - môi trường vùng ven biển tỉnh Ninh Bình”; “Lập Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ và Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Ninh Bình”; “Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ tỉnh Ninh Bình”; Phê duyệt và cắm mốc đường mực nước chiều cao trung bình nhiều năm vùng biển Ninh Bình; Phê duyệt chiều rộng ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Ninh Bình; Cắm mốc ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Ninh Bình; Ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Ninh Bình. Hàng năm, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Thường xuyên tiến hành quan trắc chất lượng môi trường nước biển và trầm tích ven biển huyện Kim Sơn.

8. Công tác quản lý Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đã được tăng cường, phát huy hiệu quả; nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của hoạt động khí tượng thủy văn, dịch vụ khí hậu của ngành khí tượng thủy văn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong các hoạt động kinh tế - xã hội, phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai đã được nâng lên. Các Sở, ngành, địa phương đã quan tâm đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý tăng cường phối hợp triển khai thực hiện lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào hoạt động quản lý chuyên ngành; xây dựng các giải pháp chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, chủ động xử lý tình huống xấu nhất ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Sở đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng, ban hành các Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu: Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 và Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá khí hậu tỉnh Ninh Bình” phục vụ nhu cầu khai thác thông tin và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

9. Công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được nâng cao. Sở đã chủ động xây dựng chương trình kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hằng năm và tổ chức thực hiện đúng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra được phê duyệt. Từ khi được thành lập cho đến nay, Sở đã thực hiện 132 cuộc thanh tra và chủ trì thực hiện 128 cuộc kiểm tra chuyên ngành.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Sở đã: Kiến nghị UBND tỉnh thu hồi đất đối với 18 doanh nghiệp với tổng diện tích đề nghị thu hồi là 838,25 ha (UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thu hồi đất đối với 15 Doanh nghiệp với tổng diện tích đất đã thu hồi là 125,6 ha); Yêu cầu Doanh nghiệp nộp gần 15 tỷ đồng tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp còn thiếu vào Ngân sách Nhà nước. Chánh Thanh tra Sở đã ban hành Quyết định xử phạt theo thẩm quyền và trình Chủ tịch UBND tỉnh bàn hành Quyết định xử phạt đối với 67 doanh nghiệp với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng.

Nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo quy định của pháp luật, đặc biệt là tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh qua đường dây nóng. Trong 20 năm qua, Sở đã tiếp 329  lượt công dân; tiếp nhận, phân loại và xử lý 996 đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh; xem xét, giải quyết 159 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở và do Chủ tịch UBND tỉnh giao.

10. Cải cách thủ tục hành chính được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, song song với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của Sở. Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị thực hiện nhiều thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp (106 thủ tục) và có số hồ sơ giải quyết hàng năm nhiều nhất tỉnh (trung bình 130.000 hồ sơ/năm). Ý thức được ý nghĩa, mục đích của cải cách thủ tục hành chính là nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong giải quyết công việc hành chính; trong thời gian qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính luôn bám sát nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Với ý thức lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính; tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, thực hiện tốt chuyển đổi số; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ gắn tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trước đây, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại Sở, hiện nay tất cả thủ tục hành chính được UBND tỉnh công bố thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở được tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đối với tổ chức; đối với hộ gia đình, cá nhân được thực hiện tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của các huyện, thành phố. Khi tiếp nhận hồ sơ, công chức, viên chức tại Bộ phận tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra thành phần hồ sơ, hướng dẫn đầy đủ, một lần để bổ sung (nếu thiếu), giảm sự phiền hà cho tổ chức, cá nhân. Việc trả kết quả đều có Phiếu hẹn cụ thể, rõ ràng về thời gian. Sở đã cho rà soát đơn giản hóa quy trình liên thông, quy trình nội bộ để thời gian giải quyết các thủ tục hành chính được đảm bảo đúng tiến độ, thông suốt và minh bạch.

Công tác lưu trữ hồ sơ tài liệu hiệu quả chính xác, đến nay 100% các văn bản đã được thực hiện nhận và gửi trên môi trường điện tử; đã thực hiện số hóa tài liệu giấy lưu trữ tại kho lưu trữ của Sở; thường xuyên cập nhật, số hóa những tài liệu, tư liệu phát sinh, rất thuận lợi trong việc tìm kiếm, khai thác, cung cấp thông tin về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

11. Vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường được khẳng định. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng ủy Sở luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phát triển Đảng; thực hiện tốt các nguyên tắc và quy định những điều Đảng viên không được làm. Đến nay, Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường có 01 Đảng bộ bộ phận và 08 Chi bộ trực thuộc, tổng số Đảng viên trong toàn Đảng bộ là 218 đồng chí. Hằng năm, Đảng bộ Sở luôn được Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh ghi nhận là Đảng bộ hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ban Chấp hành Công đoàn Sở đã làm tốt công tác xây dựng và củng cố tổ chức; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác, chương trình lý luận chính trị cơ bản cho cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, giới thiệu công đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp. Công đoàn Sở cũng đã tích cực tuyên truyền giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đoàn viên; tham gia tổ chức các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, dân tộc. Ngoài ra, Công đoàn Sở đã tích cực góp phần cùng Đảng ủy, Lãnh đạo Sở chăm lo đời sống cán bộ, công chức, đoàn viên công đoàn, tạo điều kiện để nữ đoàn viên phấn đấu trong công tác, học tập nâng cao trình độ và giới thiệu để bầu vào cấp ủy, đề bạt giữ các chức danh lãnh đạo của một số phòng, đơn vị trực thuộc.

Đoàn thanh niên Sở đã có các hoạt động thiết thực, thu hút đông đảo Đoàn viên tham gia, tổ chức thực hiện các phong trào: “5 xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Tuổi trẻ sáng tạo”. Đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Iống nước nhớ nguồn”. Thông qua các hoạt động tổ chức các ngày lễ kỷ niệm ngành và các hoạt động về giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị, giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm giúp đoàn viên, thanh niên hoàn thiện nhân cách, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hội viên Cựu chiến binh Sở luôn vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện nhiệm vụ của Hội, các hội viên luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, hội viên gương mẫu, gia đình hội viên văn hóa đồng thời tiếp tục phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan vững mạnh.

Với những kết quả đã đạt được trong 20 năm qua, có sự đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã được các cấp quan tâm, động viên, ghi nhận, khen thưởng kịp thời, như đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 2003; Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc” các năm 2012, 2013, 2017; UBND tỉnh Ninh Bình tặng “Cờ thi đua xuất sắc” năm 2022 và được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh tặng Bằng khen các năm 2010, 2011, 2020.  Bên cạnh đó, nhiều tập thể, cá nhân thuộc Sở được tặng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình có được thành tựu to lớn trong chặng đường 20 năm qua là nhờ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường; sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Đặc biệt, đây chính là nền tảng được tạo dựng từ tinh thần đoàn kết, tận tâm, trách nhiệm, lao động tâm huyết của các thế hệ Lãnh đạo Sở, các phòng, đơn vị trực thuộc; những nỗ lực phấn đấu, lao động sáng tạo, không ngừng vượt khó của nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Sở; là sự kết hợp hài hòa giữa bản lĩnh đổi mới, tinh thần sáng tạo với tri thức thời đại.

Nhân dịp này, cho phép tôi thay mặt thế hệ công chức, viên chức và người lao động của Sở ngày hôm nay bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường; sự tri ân sâu sắc những công lao, đóng góp to lớn của các đồng chí Giám đốc Sở, các đồng chí Lãnh đạo Sở qua các thời kỳ và các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi trước đã tận tâm cống hiến cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình.

Phát huy hào khí của truyền thống 20 năm của Sở và truyền thống gần 100 năm của các lĩnh vực tiền thân, tôi mong muốn mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Sở hôm nay trên từng cương vị công tác sẽ phát huy tinh thần nhiệt huyết của những người tiên phong, tạo lan tỏa trong toàn xã hội để mỗi người dân, doanh nghiệp cùng thống nhất hưởng ứng và tích cực tham gia. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể cùng xã hội chuyển hóa thành công được những thách thức nghiêm trọng, vượt qua khủng hoảng kép, góp phần đưa quê hương, đất nước tiến bước trên con đường phát triển bền vững./.

Nguyễn Trường Tuấn - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai

 

 

 

 

Văn bản mới