Nhiều xã NTM ở Yên Mô (Ninh Bình) hiện nay đã trở thành vùng quê đáng sống, tương đối văn minh, hiện đại… nhờ biết phát huy và khơi dậy nguồn lực trong dân để duy trì tiêu chí môi trường, xây dựng NTM.
Khơi dậy sức dân
Là một huyện vùng trũng phía Nam của tỉnh Ninh Bình, huyện Yên Mô là khu vực có nền kinh tế tổng hợp khi có cả du lịch, nông nghiệp và công nghiệp. Từ một huyện có xuất phát điểm thấp, năm 2011, khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, các xã trên địa bàn huyện chỉ đạt bình quân 4,9 tiêu chí, xã cao nhất mới đạt 8 tiêu chí... Sau 9 năm triển khai, đến năm 2020, toàn huyện đã có 16/16 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã Yên Từ và Yên Hòa đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM.
Ông Phạm Quốc Đạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết, sau khi hoàn thành các tiêu chí về NTM, thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị các xã tích cực triển khai việc củng cố, duy trì các tiêu chí NTM, nhất là tiêu chí môi trường - một trong những tiêu chí khó, không bền vững.
Với tinh thần "Vừa làm vừa rút kinh nghiệm; duy trì, củng cố vững chắc kết quả đạt được", toàn huyện tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở trong quá trình thực thi các chính sách, phát luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lập thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đường GTNT xã Yên Lâm, huyện Yên Mô
Đối với các xã, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng và khu dân cư; xây dựng kế hoạch tổ chức ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, trồng hoa, cây cảnh, thu gom rác. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể của xã có kế hoạch định kỳ tổng vệ sinh, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường.
Nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả, nhân rộng các mô hình góp phần củng cố, duy trì tiêu chí môi trường. Điển hình như mô hình “phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ sau phân loại” tại khu xử lý tập trung của từng xóm ở xã Khánh Thịnh được Sở TN&MT đánh giá là mô hình xử lý rác hữu cơ tốt và được nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm.
Dồn lực cho giai đoạn mới
Theo yêu cầu tiêu chí môi trường giai đoạn 2021 - 2025, đối với các xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ phân loại rác tại nguồn là 30% và 50% đối với các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; nước thải phải được thu gom, xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, hiện nay, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn chưa có quy định chi tiết. Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chưa rõ, chưa có hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, trong khi đó hạ tầng để xử lý rác thải hữu cơ sau phân loại chưa đáp ứng với việc xử lý rác sau khi phân loại nên khó để đạt tiêu chí phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Nước thải sinh hoạt của các khu dân cư chủ yếu được xử lý tại hộ gia đình chứ chưa đầu tư được hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, một số nơi, người dân bỏ rác không đúng địa điểm và thời gian quy định, việc thu gom rác thải sinh hoạt tại một số điểm tập kết còn chậm... gây nguy cơ mất vệ sinh. Việc thu gom, xử lý rác thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt và vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở đồng ruộng chưa triệt để.
Trong giai đoạn mới, Yên Mô xác định xây dựng NTM chỉ là đích đến chứ không phải là điểm dừng, do vậy, toàn huyện tập trung huy động mạnh mẽ vai trò của người dân, toàn xã hội vào cuộc không chỉ đối với công tác xây dựng hạ tầng mà cả duy trì, củng cố tiêu chí môi trường.
Theo: Tuyết Chinh (baotainguyenmoitruong.vn)