Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2024, Ninh Bình đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đặc biệt là linh hoạt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng Khu dân cư xanh, sạch, đẹp, trở thành miền quê đáng sống.
Ông Nguyễn Xuân Đức - Chi cục trưởng Chi cục Môi trường và Biển đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng NTM, các xã, huyện, thành phố đã tập trung nguồn lực để thực hiện các nội dung của tiêu chí Môi trường; trong đó ưu tiên các nội dung như: thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, hệ thống thu gom, thoát nước của các khu dân cư, nâng cấp, cải tạo cảnh quan nơi công cộng, kiểm tra, kiểm soát công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất - kinh doanh…
Trong quá trình triển khai thực hiện tiêu chí môi trường có sự đồng hành của người dân, các cơ sở sản xuất - kinh doanh. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các xã được duy trì thực hiện tốt, công tác vệ sinh môi trường, cải tạo, bảo vệ cảnh quan nông thôn được thực hiện thường xuyên.
Phong trào giữ gìn đường làng ngõ xóm xanh - sạch - đẹp được duy trì và triển khai rộng rãi tại các địa phương ở Ninh Bình
Công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động trồng trọt đã có nhiều chuyển biến. Cụ thể: thu gom, xử lý khoảng 70% bao gói thuốc bảo vệ thực vật; phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu là rơm rạ phát sinh khoảng 550.000 tấn/năm, được thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý, đạt trên 90%; hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ.
Đối với hoạt động sản xuất của các làng nghề, 52/75 làng nghề trên địa bàn Ninh Bình đã có phương án bảo vệ môi trường làng nghề và thành lập tổ tự quản về môi trường. Các làng nghề đã thực hiện thu gom, xử lý chất thải; làng nghề bún Yên Ninh (thị trấn Yên Ninh), làng nghề đá mỹ nghệ tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư đã được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải…
Theo ông Đức, tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn đã được giảm thiểu. Các tuyến đường làng, ngõ xóm, đường trục thôn, trục xã, liên xã cơ bản đã cứng hóa, hệ thống tiêu thoát nước tại các khu dân cư được quan tâm xây mới và cải tạo; các khu vực công cộng, ao, hồ được đầu tư xây dựng, cải tạo cảnh quan phù hợp với mục đích sử dụng cho cộng đồng dân cư nông thôn.
Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí môi trường ở nông thôn vẫn còn những khó khăn. Nổi cộm là vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại bãi rác thung Quèn Khó, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp. Song, hiện bãi rác đã gần đầy, trong khi dự án xây dựng Nhà máy điện rác của tỉnh dự kiến đến năm 2026 mới đi vào hoạt động dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất lớn.
Vấn đề ô nhiễm do hoạt động sản xuất, chăn nuôi nằm xen kẽ trong các khu dân cư rất khó giải quyết do các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ chủ yếu là hộ gia đình có năng lực tài chính hạn chế nên khó đầu tư cho việc xử lý chất thải. Việc triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hug om, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung còn chậm…
Năm 2022, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn Ninh Bình khoảng 127.550 tấn. Trong đó, khối lượng được thu gom, xử lý khoảng 106.700 tấn, đạt tỷ lệ 83,5%.
Với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thực hiện mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, Ninh Bình đang tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Trọng tâm trước mắt là đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn; quản lý chặt chẽ về môi trường đối với các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản; các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; xây dựng kế hoạch cải tạo môi trường… Tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, xây dựng các khu, cụm dân cư nông thôn sinh thái (sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh).
Theo: Tuyết Chinh (baotainguyenmoitruong.vn)