Là một vùng đất cổ có con người cư trú từ hơn 30 nghìn năm trước, đặc biệt, vào thế kỷ thứ X, Ninh Bình là Kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Hiện nay, với việc lưu giữ được nhiều nét kiến trúc, văn hóa kinh kỳ độc đáo, cùng những giá trị địa chất, địa mạo nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An… Ninh Bình hội đủ những điều kiện để xây dựng “Đô thị di sản” trong tương lai.
Sự hội tụ các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, di sản kiến trúc là những yếu tố cơ bản để Ninh Bình trở thành một “Đô thị di sản”.
Vùng đất Hoa Lư thế kỷ thứ X đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Năm 968, sau khi bình định 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế đã chọn vùng đất Ninh Bình làm nơi đóng đô.
Ngay từ đầu, Kinh đô Hoa Lư đã được kiến tạo bởi ý tưởng về một đô thị với công năng của một quân thành bảo vệ triều đình còn non trẻ, đất nước còn nhiều hiểm họa xâm lăng. Đô thị này được hình thành dựa trên yếu tố tiên quyết là tài nguyên thiên nhiên, với quy hoạch, kiến trúc đặc biệt: núi là tường thành, sông là đường, các thung lũng là cung điện.
“Nhà Đinh xây thành, nhà Lê dựng điện”. Dù được xây dựng phục vụ trước hết là nhiệm vụ quân sự, song Kinh đô Hoa Lư đã góp sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế- văn hóa trong thời kỳ đầu nhà nước Đại Cồ Việt. Đặc biệt, không chỉ có các công trình di tích lịch sử văn hóa đang hiện hữu, mà ở khu vực ngoại thành Hoa Lư còn nhiều công trình nhà ở truyền thống thể hiện đậm sâu không gian văn hóa, sinh hoạt của cư dân kinh đô xưa.
Cùng với không gian kiến trúc, cung điện cổ xưa nhắc nhớ sâu sắc về lịch sử dân tộc, Ninh Bình còn ẩn chứa câu chuyện văn hóa đầy sinh động về cuộc sống người tiền sử, sự tương thích với biến đổi khí hậu vô cùng khắc nghiệt của thiên nhiên. Tất cả vẫn đang hiện hữu, nằm sâu trong các hang động, thung lũng ở Tràng An và được bảo tồn chặt chẽ. Cùng với đó là hệ thống các giá trị văn hóa phi vật thể qua tín ngưỡng dân gian thờ thần núi, thần sông, qua Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An đã làm giàu thêm giá trị văn hóa vùng đất “Đô thị di sản” Tràng An – Ninh Bình.
Sự hội tụ các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, di sản kiến trúc là những yếu tố cơ bản để Ninh Bình trở thành một “Đô thị di sản”. Tới đây, Tọa đàm khoa học bàn về "Đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình” sẽ được tổ chức, nhằm cung cấp luận cứ khoa học - thực tiễn cho xây dựng tiêu chí đô thị và phân loại đô thị; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, mở đường cho việc công nhận Ninh Bình là "Đô thị di sản" trong tương lai./.
Theo: Thùy Vân (nbtv.vn)