Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Sáu, sáng 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản lần này là hết sức cần thiết và cấp thiết, góp phần ngăn chặn nhũng nhiễu, lạm dụng gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này. Các đại biểu cho rằng: Nâng cấp trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản bằng việc xây dựng thêm phần mềm đấu giá tài sản trực tuyến thành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia trực tuyến là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần tạo sự minh bạch, công khai trong hoạt động này.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình góp ý hoàn thiện dự thảo luật
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình thống nhất với sự cần thiết sửa đổi luật, với các nhóm chính sách do Chính phủ trình; đồng thời đề nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án.
Về phạm vi sửa đổi bổ sung của dự thảo luật, qua nghiên cứu Luật Đấu giá tài sản hiện hành và thực tiễn thi hành về đấu giá tài sản trong thời gian qua, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật một số quy định để tạo cơ sở pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị bổ sung quy định về trình tự thủ tục đấu giá tài sản thi hành án. Theo quy định tài khoản 1 Điều 4 luật hiện hành và dự thảo luật, tài sản thi hành án thuộc trường hợp phải bán thông qua đấu giá, tuy nhiên luật hiện hành và dự thảo luật hiện nay chưa có quy định thủ tục riêng cho việc đấu giá tài sản thi hành án.
Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung rõ nhiệm vụ, trách nhiệm Cổng Đấu giá tài sản quốc gia như: Trách nhiệm bảo mật, lưu trữ, theo dõi, giám sát ,…thông tin để bảo đảm việc vận hành thông suốt và hiệu quả. Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thuyết minh về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực vật chất cho việc bảo đảm vận hành của Cổng thông tin này sau khi được đưa vào hoạt động chính thức rộng rãi.
Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với 465/469 đại biểu có mặt tán thành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Thời gian còn lại, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Theo: nbtv.vn