Sáng 16/4, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi khảo sát, nắm bắt tình hình hệ thống phân lũ, chậm lũ của tỉnh trên địa bàn 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn và Dự án Nhà máy điện rác Ninh Bình tại thành phố Tam Điệp. Cùng đi có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương có liên quan.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Đoàn đã đi khảo sát thực địa hệ thống phân lũ, chậm lũ của tỉnh gồm: tràn Lạc Khoái, khu Kênh Gà, Vân Trình thuộc huyện Gia Viễn và tràn Đức Long, hồ Thường Xung thuộc huyện Nho Quan. Theo phương án phòng chống lũ trên sông Hoàng Long, Ninh Bình còn tồn tại vùng chậm lũ gồm 4 xã của huyện Nho Quan và 2 vùng phân lũ gồm khu Hữu Hoàng Long (Xả qua tràn Lạc Khoái) có dung tích chứa lũ khoảng 200 triệu m3 và khu Gia Tường - Đức Long - Lạc Vân (Xả qua tràn Đức Long và Tràn Gia Tường) có dung tích chứa lũ khoảng 30 triệu m3 thuộc địa bàn 12 xã của 2 huyện Nho Quan và Gia viễn. Khi mực nước lũ trên sông Hoàng Long tại bến Đế đạt (+5,3)m và tiếp tục lên cao gây nguy cơ mất an toàn cho các tuyến đê tả, đê hữu sông Hoàng Long thì tiến hành vận hành tràn Lạc Khoái, tràn Đức Long, tràn Gia Tường, cống Mai Phương theo Quy trình vận hành được phê duyệt để xả lũ vào các khu phân lũ, chậm lũ và vào Đầm Cút qua sông Đáy để giảm mực nước lũ. Những năm có lũ lớn xuất hiện trên sông Hoàng Long (điển hình như năm 1985, 1996, 2007, 2009) để bảo vệ an toàn cho hệ thống Đê buộc phải phân lũ vào khu hữu Hoàng Long và khu Gia Tường - Đức Long - Lạc Vân gây thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội và môi trường.
Tuy nhiên, những năm gần đây được sự quan tâm đầu tư của trung ương, của tỉnh, tràn Lạc Khoái đã được xây dựng, nâng cấp kiên cố, gồm 24 khoang, mỗi khoang rộng 4m, đóng mở bằng điện và quay tay, tràn Đức Long đang được lập chủ trương đầu tư theo hướng tràn sự cố đóng mở chủ động cùng với việc đầu tư nâng cấp đê, kè, cống và nạo vét, khơi thông sông, các công trình đều đảm bảo vận hàng tốt, ứng phó được các tình huống thiên tai theo cấp độ đã được xây dựng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xóa bỏ các khu phân, chậm lũ. Do vậy, các cơ quan, đơn vị cũng đang rà soát lại Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết sông Hoàng Long để triển khai thực hiện.
Tại thành phố Tam Điệp, Đoàn đã đi khảo sát vị trí xây dựng dự án Nhà máy điện rác Ninh Bình trên địa bàn xã Đông Sơn. Theo đó, từ khi đi vào hoạt động năm 2014, lượng rác thải phải xử lý của Nhà máy xử lý chất thải rắn tăng nhanh, gấp gần 2 lần so với công suất thiết kế, trong khi đó đơn giá xử lý đang áp dụng lại quá thấp, không bù đắp được chi phí sản xuất, khu chôn lấp rác cũ lại không đảm bảo tiêu chuẩn, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực lân cận. Do đó, việc đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác là hết sức cần thiết để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường; Sản xuất, truyền tải và phân phối điện; Sản xuất gạch từ xỉ lò.
Qua nghe báo cáo, thị sát thực địa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn cho rằng: công nghệ đốt chất thải để tạo ra điện ngày càng được áp dụng rộng rãi với nhiều ưu điểm nổi bật và cũng là một trong những xu thế của công nghệ môi trường hiện nay. Vấn đề là phải đảm bảo hài hòa, thông suốt ở tất cả các khâu quy hoạch - công nghệ - nhân lực. Cụ thể là phải lựa chọn được địa điểm thích hợp cho các bãi tập kết rác cũng như địa điểm xây dựng Nhà máy điện rác, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, xử lý tuần hoàn và đặc biệt là phải chọn được nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực. Trong quá trình nghiên cứu, xem xét quyết định chủ trương đầu tư cần cân nhắc, tính toán kỹ, nên có sự tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, tham khảo các dự án điện rác đã được triển khai ở một số tỉnh, thành để rút kinh nghiệm, đảm bảo dự án vận hành ổn định, hiệu quả, mang lại lợi ích cả về kinh tế và môi trường./.
Theo: nbtv.vn