Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, kế thừa Chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường xin trân trọng giới thiệu nội dung “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của viên chức, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tư tưởng Hồ Chí minh tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Ninh Bình”.
Với nội dung này, không phải là mới, cách đây hơn 10 năm, ngày 14/5/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, toàn Đảng đã triển khai học tập chủ đề “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”. Đặc biệt, trong năm 2021 và 2022 vừa qua, ở cấp độ địa phương, Chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy Ninh Bình là: “Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính”; ở cấp độ cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường, các Thông báo kết luận Hội nghị giao ban Lãnh đạo Sở trong những tháng gần đây đều yêu cầu đối với Văn phòng Đăng ký đất đai: “Tiếp tục chấn chỉnh cán bộ, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm, hiệu quả trong thực thi công vụ, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính”, tiếp tục khẳng định, hệ thống chính trị và nhân dân nói chung và của Sở Tài nguyên và Môi trường nói riêng luôn coi trọng vấn đề này. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề này đang có giá trị to lớn trong xã hội, nhất là trong công tác xây dựng Ðảng và khôi phục niềm tin của nhân dân.
Như vậy, tinh thần trách nhiệm là gì? làm như thế nào để thể hiện tinh thần trách nhiệm? Trong phạm vi bài viết này, xin được làm rõ, sâu hơn về tinh thần trách nhiệm, từ đó nhìn lại trong thời gian qua mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chúng ta đã làm được gì và chưa làm được gì để có những giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công việc được giao, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Đây là một trong những nội dung trọng tâm, quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích về tinh thần trách nhiệm và không có tinh thần trách nhiệm như sau: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm”.
Như vậy, có thể hiểu trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình, phải bảo đảm làm tròn nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao, với sự ràng buộc đối với lời hứa của mình, nếu kết quả thực hiện không tốt, hoặc nếu thực hiện sai thì phải gánh chịu hậu quả. Tinh thần trách nhiệm chính là kết quả của một quá trình rèn luyện, nhận thức và hành động đúng đắn, tích cực, tự giác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thấm nhuần tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, viên chức, người lao động chúng ta, ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, được thể hiện cụ thể ở một số nội dung: cán bộ, viên chức phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có phương pháp làm việc khoa học; phải chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao; nêu cao tinh thần trách nhiệm gắn với tự phê bình và phê bình; phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm; trung thực trong nhiệm vụ, không tranh công, không đổ lỗi; cầu thị, có chí tiến thủ, khiêm tốn, không kiêu ngạo.
Đối với cán bộ, viên chức và người lao động tại Văn phòng Đăng ký đất đai, tinh thần trách nhiệm được thể hiện trong những công việc theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định, không thờ ơ, sách nhiễu, phiền hà đối với công dân, doanh nghiệp; tận tâm, tận lực với công việc; người biết hướng dẫn, giúp đỡ người chưa biết; nội bộ đoàn kết, thống nhất … không nên xem một công việc nào, bởi vì tất cả các công việc đều là một bộ phận để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị.
Như vậy, để nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc đối với cán bộ, viên chức và người lao động, mỗi cá nhân là một tấm gương sáng cần thực hiện một số nội dung sau:
Trước tiên, về nhận thức:
Mỗi cán bộ, viên chức và người lao động phải xác định được mình là ai? Trách nhiệm của bản thân là gì? Phạm vi trách nhiệm đến đâu? Luôn xác định phải hoàn thành nhiệm vụ, không được ngại khó, ngại khổ, né tránh, đùn đẩy.
Về hành động:
Một là, nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, viên chức và người lao động phải chịu khó, tích cực, hăng hái trong công việc, nhiệm vụ được giao, tiết kiệm thời gian và các phương tiện phục vụ công tác để làm việc có hiệu quả cao nhất. Muốn vậy, trên cơ sở chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị, mỗi Mỗi cán bộ, viên chức và người lao động phải tự vạch kế hoạch làm việc theo năm, tháng, tuần, ngày. Kế hoạch năm là định hướng chung về trách nhiệm của bản thân trong năm, sau đó phải xác định nhiệm vụ trong tháng, trong tuần, trong ngày làm gì; nhiệm vụ nào cần giải quyết trước, nhiệm vụ nào làm sau. Khi đã có kế hoạch thì phải tuân thủ kế hoạch đã đề ra, không được lấy thời gian làm việc công để làm việc tư. Mỗi cán bộ, viên chức và người lao động phải thực sự liêm khiết, gương mẫu trong công tác, ứng xử, có thái độ chính trực, có chính kiến, bản lĩnh trong công việc.
Hai là, nêu cao tính chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao. Từng cán bộ, viên chức và người lao động phải chủ động và thường xuyên thực hiện tốt 05 vấn đề sau:
Thứ nhất, tự mình chủ động, tích cực, sáng tạo.
Trong thực hiện nhiệm vụ, công việc có chương trình, kế hoạch, khoa học, ngăn nắp, nề nếp, sao cho công việc chạy đều, có kết quả cao nhất; kể cả trong việc phối hợp thực hiện với các đồng nghiệp hoặc cơ quan, đơn vị có liên quan, không để chậm trễ, tồn đọng, ách tắc, không để đồng nghiệp phải chờ đợi sự phối hợp, cộng tác.
Trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, dù đơn giản, hay phức tạp, dù nhiều hay ít, dù bình thường hay khẩn cấp, cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chế, chế độ, quy trình, thủ tục, không làm tắt, làm trái quy định, trái với lương tâm của người cán bộ, không có động cơ cá nhân hay thiên tư, thiên kiến trong công việc. Tuy nhiên, cũng không được cứng nhắc, máy móc, phải linh hoạt, sáng tạo, không ngừng cải tiến, đổi mới để hoàn thành công việc nhanh nhất.
Khi thực hiện nhiệm vụ phải bao quát nhiệm vụ của tập thể, nhiệm vụ của đồng nghiệp để cùng phối hợp thực hiện mới hoàn thành tốt nhiệm vụ chung. Phải phân tích, đánh giá công việc để thấy được tính khó khăn, phức tạp từ đó chủ động phòng ngừa những hậu quả có thể xảy ra.
Thứ hai, phải có tính tự trọng cao.
Bởi vì, có tự trọng thì mới nêu cao ý thức trách nhiệm, làm việc với tinh thần, thái độ công tâm, khách quan, vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, tập thể và nhân dân, vì uy tín, danh dự của Đảng, của cơ quan, đơn vị và của chính bản thân mình. Mỗi người ý thức được tính tự trọng, thì làm công việc một cách trong sáng, cao thượng, không lồng động cơ cá nhân hoặc vì lợi ích của bản thân, của gia đình, hay lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, từ đó không gây thiệt hại hoặc làm phương hại đến quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cơ quan, đơn vị và công dân.
Thứ ba, phải biết tự soát xét lại chính bản thân mình trong mọi việc.
Mỗi cán bộ, viên chức và người lao động phải tự kiểm tra, kiểm soát lại công việc mình đã thực hiện đến đâu, với mức độ, kết quả như thế nào, có kết quả, sáng kiến gì để phát huy, những gì chưa làm được hay làm với kết quả chưa như mong muốn cần điều chỉnh. Khi chúng ta mắc phải thiếu sót, khuyết điểm phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân do đâu mà mắc phải để có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên; không tranh công, đổ lỗi cho khách quan, cho người khác, đề ra biện pháp khắc phục sửa chữa thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm; đề xuất những vấn đề với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chi bộ để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ, tháo gỡ hoặc tạo điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao.
Thứ tư, phải tự giác, tự phê bình và phê bình.
Mỗi cán bộ, viên chức và người lao động phải tự giác, phải thực sự mạnh dạn, thẳng thắn, chân thành trong phê bình và tự phê bình, phê bình đồng chí mình phải trên tinh thần đồng chí, chân thành, xây dựng, thái độ vô tư, khách quan, không chen động cơ cá nhân, không mỉa mai, chua cay, đâm thọc, đồng thời phải không được tự ái. Tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí, đồng nghiệp, của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chi bộ ... để phát huy mặt mạnh, khắc phục, sửa chữa, điều chỉnh mặt yếu còn tồn tại. Ngoài ra, đã là cán bộ, Đảng viên, không nên suy bì xem công việc của mình có quan trọng hay không, có đem lại lợi lộc gì cho bản thân và gia đình hay không; phải thấy được rằng, công việc nào cũng cần thiết, quan trọng đối với cơ quan, đơn vị. Khi đã được giao và làm bất kỳ việc gì, dù gặp khó khăn, trở ngại cũng phải quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, không được thoái thác, không được chùn bước.
Thứ năm, phải có sự tự tin trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao.
Chỉ khi có tự tin, thì chúng ta mới chủ động, tự giác, năng động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ được giao với ý thức trách nhiệm cao, đem lại kết quả tốt.
Ba là, khiêm tốn, thực sự cầu thị, không kiêu ngạo, thỏa mãn với kết quả công việc, nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, viên chức và người lao động phải thể hiện thái độ khiêm tốn trong thực hiện nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao. Thực sự cầu thị khi thấy đồng nghiệp, lãnh đạo cơ quan, đơn vị góp ý giúp đỡ với ý tưởng sáng tạo, giải pháp mới, có tính khả thi để giúp việc thực hiện công việc, nhiệm vụ, phần việc được giao đạt kết quả cao hơn. Đối với các cá nhân có vai trò lãnh đạo phải luôn nêu gương; phải nắm bắt được năng lực của từng cán bộ, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, vai trò, vị trí của mỗi cán bộ, viên chức, người lao động mới giúp họ phát huy được hết tinh thần trách nhiệm; phải trực tiếp làm việc, phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ của cán bộ để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn.
Tóm lại, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm không chỉ thể hiện trong nghị quyết, bằng lời hứa mà là trong những việc làm rất cụ thể, thiết thực, hàng ngày thuộc mọi lĩnh vực, mọi công việc, của mọi người. Vì nói cho cùng, tinh thần trách nhiệm không chỉ là bổn phận của mỗi người đối với tổ chức, với Đảng, trước cấp trên mà còn là trách nhiệm trước dân, trước tập thể, những người xung quanh mình và với cả chính mình. Đó là biểu hiện trong sáng nhất của đạo đức làm người, đạo đức công dân, hết lòng, hết sức phấn đấu vì sự nghiệp của dân, của nước - Đó cũng là đạo đức, là tư cách của con người nói chung, của mỗi cán bộ, viên chức và người lao động thực thụ tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Qua đây, mỗi cán bộ, viên chức và người lao động tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Ninh Bình hãy phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, tự vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, xây dựng niềm tin, sự tâm huyết với nghề, yêu nghề, gắn bó với nghề. Từ đó hoàn thành công việc với chất lượng và hiệu quả cao, góp phần phát triển toàn diện ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao./.
Nguyễn Trường Tuấn, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Ninh Bình