Nhóm vấn đề chính được cử tri Ninh Bình quan tâm và tập trung đặt câu hỏi, tranh luận trực tiếp tại hội trường kỳ họp HĐND tỉnh khoá XV là Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉnh lý bản đồ địa chính sau đồn điền đổi thửa tại các huyện, thành phố.
Chiều 14/7, trong chương trình kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Việc cấp GCNQSDĐ làm “nóng” hội trường
Đại biểu nêu câu hỏi vì sao tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa tiến hành chậm; nhiều đơn vị hành chính cấp xã chưa được đo đạc, lập bản đồ địa chính dạng số.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ tình trạng công dân nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng phát sinh khiếu kiện, cơ quan chức năng trả hồ sơ, không giải quyết cho người dân; tình trạng thiếu trách nhiệm trong việc hướng dẫn công dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những sai sót và kéo dài trong việc cấp mới và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến khó khăn, thiệt thòi cho tổ chức, công dân, nhất là khi giao dịch mua bán, đăng ký giao dịch đảm bảo bằng quyền sử dụng đất...
Ông Đinh Văn Tiên ,Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình trả lời chất vấn
Với 7 lượt đại biểu nêu 10 câu hỏi chất vấn, ông Đinh Văn Tiên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã trả lời các vấn đề liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉnh lý bản đồ sau dồn điền đổi thửa; Trách nhiệm và giải pháp của ngành để 48 đơn vị cấp xã tiến hành đo đạc bản đồ dạng số trong thời gian tới.
Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cũng làm rõ trách nhiệm của ngành trong việc cấp GCNQSDĐ đối với những diện tích đất có tranh chấp, việc kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc kê khai đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các tổ chức, hộ gia đình chưa thực hiện đăng ký cấp chứng nhận quyền sử dụng đất; việc rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định về cấp giấy chứng nhận của địa phương không còn phù hợp với pháp luật hiện hành;
Đồng thời, làm rõ lý do và phương án tháo gỡ khó khăn cho các huyện, thành phố trong cấp, đo đạc chỉnh lý hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực trạng và trách nhiệm của ngành trong xử lý các sai sót liên quan đến xác định thời hạn sử dụng đất trong cấp và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để tạo điều kiện cho người dân thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai.
Xác định lộ trình, giải pháp cụ thể hoàn thành cấp GCNQSDĐ
Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉnh lý bản đồ sau dồn điền đổi thửa, kết luận phiên chất vấn, ông Trần Hồng Quảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV, chiều 14/7
Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 106 ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về kết quả giảm sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2022.
Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hồng Quảng yêu cầu xác định lộ trình, giải pháp cụ thể hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ, chỉnh lý bản đồ sau dồn điền đổi thửa để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cả nhân, hộ gia đình có liên quan; thường xuyên chỉ đạo theo dõi, cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai sau dồn điền đổi thửa; quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với cấp xã.
Hàng năm căn cứ kết quả thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của từng huyện, thành phố để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý Nhà nước về đất đai. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai thông qua việc chuyển đổi số nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao năng lực, hiệu quả và minh bạch trong công tác quản lý đất đai./.
Theo: Tuyết Chinh - Báo Tài nguyên và Môi trường